Thái Lan bỏ yêu cầu xét nghiệm RT-PCR đối với du khách từ tháng 5

Khách du lịch tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 22/4 đã công bố những thay đổi lớn trong các quy định phòng chống dịch đối với người nhập cảnh, theo đó, từ ngày 1/5 tới bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR khi đến đối với du khách đã được tiêm chủng đầy đủ.

Kể từ đầu tháng 4 này, du khách nước ngoài và người Thái Lan về nước không cần phải làm xét nghiệm RT-PCR trước khi lên đường, nhưng vẫn phải làm xét nghiệm bằng phương pháp này sau khi nhập cảnh, kể cả những người đã tiêm chủng đầy đủ.

Ngành du lịch và các khách sạn ở Thái Lan đã liên tục kêu gọi Chính phủ bãi bỏ yêu cầu nói trên vì gánh nặng chi phí gia tăng khiến khách du lịch tìm đến các quốc gia khác có những quy định dễ dàng hơn.

Phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp của CCSA, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh ngành du lịch của Thái Lan đang hồi phục và việc xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn đối với du khách nước ngoài.

Theo ông Prayut, rất nhiều nước đang nới lỏng đáng kể những hạn chế về đi lại và Thái Lan phụ thuộc đáng kể vào du lịch để hỗ trợ nền kinh tế của đất nước.

Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết Chương trình “Xét nghiệm & Lên đường” (Test & Go) dành cho du khách nước ngoài sẽ không còn tồn tại từ ngày 1/5 và Chính phủ Thái Lan sẽ áp dụng những biện pháp khác nhau đối với du khách đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng đến bằng đường hàng không.

Khách du lịch đã tiêm phòng sẽ được khuyến cáo tự xét nghiệm thường xuyên bằng các bộ xét nghiệm kháng nguyên. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính có thể tìm cách điều trị theo hợp đồng bảo hiểm hoặc phải tự chi trả chi phí y tế.

Những khách du lịch chưa tiêm phòng sẽ được hoan nghênh nếu họ xuất trình chứng nhận xét nghiệm RT-PCR âm tính không quá 72 giờ trước chuyến đi. Họ sẽ phải cách ly 5 ngày và phải làm thêm một xét nghiệm RT-PCR nữa vào ngày thứ 4 hoặc thứ 5 sau khi đến, đồng thời được khuyến nghị tự làm xét nghiệm kháng nguyên trong thời gian lưu trú.

Ngoài ra, du khách thuộc diện có nguy cơ cao sẽ phải cách ly trong 5 ngày. Hạn mức bảo hiểm COVID-19 tối thiểu đối với tất cả khách nước ngoài sẽ được giảm một nửa, xuống còn 10.000 USD.

Ông Taweesilp nói rằng việc bắt buộc xét nghiệm theo chương trình “Test & Go” được dỡ bỏ vì số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ lây nhiễm ở những người nước ngoài nhập cảnh thông qua chương trình này trong tháng 4 rất thấp (chỉ 0,46%).

Đối với du khách đến bằng đường bộ, những người có ý định lưu trú không quá 2 ngày chỉ được nhập cảnh khi đã tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp kháng nguyên.

Đối với những du khách có ý định ở lại lâu hơn, những người đã tiêm phòng sẽ không bị cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp kháng nguyên, trong khi những du khách chưa tiêm phòng sẽ phải cách ly trong 5 ngày.

Cũng trong ngày 22/4, CCSA đã công nhận quyết định của Bộ Y tế Thái Lan nới lỏng việc kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc từ ngày 1/5, chấm dứt các vùng kiểm soát dịch (màu da cam) ở 20 tỉnh. Như vậy, số tỉnh thuộc diện giám sát chặt chẽ (màu vàng) sẽ tăng từ 47 lên 65 tỉnh, trong khi số lượng các tỉnh thuộc diện thí điểm du lịch (màu xanh) sẽ tăng từ 10 lên 12 tỉnh.

Về tình hình COVID-19, sáng 22/4 Thái Lan ghi nhận 21.808 ca mắc mới cùng 128 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 4.128.038 ca, trong đó có 27.520 người không qua khỏi.

Đến nay, Thái Lan đã tiêm được 132,09 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân. Tính đến ngày 21/4, 80,6% dân số Thái Lan đã được tiêm một mũi vắc xin, 73,1% được tiêm 2 mũi, trong khi 36,2% được tiêm mũi tăng cường.

Tại Hàn Quốc, ngày 22/4, Thủ tướng Kim Boo-kyum thông báo bắt đầu từ tuần tới nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt để phòng dịch COVID-19.

Người dân sẽ được phép ăn uống trong các rạp chiếu phim, các phòng tập thể dục trong nhà, các địa điểm tôn giáo, tàu điện, tàu hỏa và xe buýt.

Phát biểu tại một cuộc họp ứng phó với COVID-19, ông Kim Boo-kyum cho biết số ca mắc mới trung bình theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm khoảng 40% so với một tuần trước đó, trong khi số ca bệnh nặng và tử vong cũng tiếp tục xu hướng giảm.

Tuy nhiên, Thủ tướng Kim cảnh báo việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế không đồng nghĩa không còn nguy cơ lây nhiễm.

Từ ngày 18/4, Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế, chỉ duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang.

Các doanh nghiệp nhỏ được phép hoạt động mà không bị hạn chế về thời gian và công suất; giới hạn tụ tập tối đa 10 người cũng được dỡ bỏ.

Từ ngày 25/4, Hàn Quốc sẽ hạ cấp độ cảnh báo dịch bệnh xuống mức nghiêm trọng thứ 2 trong thang cảnh báo gồm 4 cấp độ, qua đó cho phép các bệnh nhân COVID-19 không phải thực hiện tự cách ly và có thể được điều trị tại các phòng khám địa phương, sớm nhất là từ cuối tháng 5 tới.

Trong khi đó tại Mỹ, giới chức thành phố Philadelphia, thuộc bang Pennsylvania cho biết thành phố 1,5 triệu dân này sẽ bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian trong nhà.

Một người phát ngôn Cơ quan Y tế nêu rõ giới chức y tế thành phố chuyển sang khuyến nghị thay vì bắt buộc người dân đeo khẩu trang trong các không gian công cộng trong nhà, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 phải nhập viện giảm.

Ngày 18/4 vừa qua, chính quyền Philadelphia áp đặt trở lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng trong nhà như nhà hàng, lớp học và cơ sở kinh doanh, nhằm đối phó với làn sóng mới của dịch bệnh.

Với động thái này, Philadelphia là thành phố lớn đầu tiên tại Mỹ tái áp đặt quy định. Đến nay, đa số các khu vực và bang của Mỹ đều nới lỏng các yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và tiêm vắc xin phòng COVID-19.

T.LÊ ( tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/274610/thai-lan-bo-yeu-cau-xet-nghiem-rt-pcr-doi-voi-du-khach-tu-thang-5.html