Thái Lan dẫn đầu về giao thương với Việt Nam trong ASEAN

9 tháng đầu năm 2024, Thái Lan tiếp tục giữ vị trí Top 1 về quan hệ thương mại với Việt Nam trong khối ASEAN khi kim ngạch hai chiều đạt 14,75 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan tăng tới 87% trong 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan tăng tới 87% trong 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Về xuất khẩu, theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu về 5,86 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Việt Nam xuất khẩu 34 mặt hàng sang Thái Lan, trong đó 14 mặt hàng có kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên với tổng 4,5 tỷ USD, chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang nước này.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 757 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Điện thoại và linh kiện với giá trị 657 triệu USD, giảm sâu 14,1% so với cùng kỳ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 584 triệu USD, tăng tới 27,9% YoY.

Ngoài nhóm điện tử, kim ngạch xuất khẩu dầu thô cũng đạt giá trị cao với 576 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Phương tiện vận tải và phụ tùng khác xuất khẩu sang Thái Lan cũng đạt 430 triệu USD, giảm sâu 23% YoY.

Trong nhóm này, sản phẩm hóa chất có mức tăng trưởng vượt trội với +253% YoY, đạt 314 triệu USD; kế đến là sản phẩm từ chất dẻo tăng 142% YoY, đạt 175 triệu USD.

Hàng dệt may cũng tăng 26,4% so với cùng kỳ, đạt 212 triệu USD; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,6% YoY, đạt 101 triệu USD.

Trong nhóm nông sản, Việt Nam xuất khẩu rau quả cũng tăng tới 87% YoY, đạt 202 triệu USD; cà phê tăng 75,9% YoY, đạt 137 triệu USD.

Các mặt hàng khác trong nhóm này ghi nhận giảm về kim ngạch lần lượt là sắt thép giảm 48,7% so với cùng kỳ, đạt 109 triệu USD; kim loại thường khác giảm 10% YoY, đạt 119 triệu USD và thủy sản giảm 10% YoY, còn 175 triệu USD.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính sang Thái Lan, quặng và khoáng sản khác cũng ghi nhận tăng trưởng tới 197% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,1 triệu USD; đá quý, kim loại quý và sản phẩm cũng tăng 143% YoY, đạt 9,5 triệu USD...

Về nhập khẩu, Việt Nam chi 8,89 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu từ nước này 42 mặt hàng chính, ô tô nguyên chiếc là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất với 922 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Thái Lan hiện là thị trường nhập khẩu ô tô lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Indonesia) với 47.580 chiếc, chiếm 38% tổng lượng nhập trong 9 tháng đầu năm 2024.

Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu đứng sau lần lượt là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 898 triệu USD, giảm sâu 33,7% YoY; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 739 triệu USD, tăng 10% YoY; hàng điện gia dụng và linh kiện cũng đạt 643 triệu USD, tăng tới 21% so với cùng kỳ.

Trong nhóm dệt may, Việt Nam cũng chi 238 triệu USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ thị trường này, tăng tới 19,6% so với cùng kỳ; chi 202 triệu USD để nhập khẩu vải, tăng nhẹ 2,7% YoY.

Trong nhóm nguyên nhiên liệu, Việt Nam còn nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu với giá trị 501 triệu USD, tăng 8,1% YoY; kim loại thường khác với 486 triệu USD, tăng 25,7% YoY; xăng dầu với 352 triệu USD, giảm sâu 38,9% YoY.

Trong nhóm nông sản, Việt Nam nhập khẩu thủy sản từ Thái Lan với 16,8 triệu USD giá trị, giảm 30% YoY; rau quả với 46,3 triệu USD, tăng 31% YoY; sữa và sản phẩm từ sữa với 41,8 triệu USD, tăng nhẹ 2,7% YoY; ngô với 12,6 triệu USD, giảm 31,8% YoY.

Trong khối ASEAN, 9 tháng đầu năm 2024, sau Thái Lan, Indonesia là thị trường có thương mại lớn thứ 2 với Việt Nam, kim ngạch đạt 12 tỷ USD. Thương mại giữa Việt Nam và Malaysia cũng đạt 10,6 tỷ USD, Campuchia và Singapore với cùng 7,5 tỷ USD...

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thai-lan-dan-dau-ve-giao-thuong-voi-viet-nam-trong-asean-34764.html