Thái Lan đánh giá cao vai trò dẫn dắt ASEAN 2020 của Việt Nam
Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra dưới hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam từ ngày 12 - 15/11, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Bangkok về các chủ đề thảo luận tại các hội nghị và vai trò của Việt Nam trên cương vị nước Chủ tịch ASEAN 2020.
Xin Ngài cho biết những vấn đề nổi bật sẽ được thảo luận hoặc những vấn đề có thể sẽ được nêu lên tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan?
Chương trình nghị sự quan trọng nhất trong tất cả các hội nghị cấp cao là ứng phó với đại dịch COVID-19. Các hội nghị cấp cao này là một cơ hội kịp thời để ASEAN và các đối tác bên ngoài thảo luận về cách chúng ta có thể hợp tác hơn nữa để ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19 và tăng cường những nỗ lực tập thể của chúng ta để phục hồi mạnh mẽ.
Một chủ đề thảo luận quan trọng khác là xây dựng Cộng đồng ASEAN, lĩnh vực mà Việt Nam đã dẫn dắt trong năm nay về một số giao phẩm cụ thể như đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện các Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025 và bắt đầu các cuộc thảo luận về sự phát triển của một Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Các xu hướng và vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế cũng sẽ được thảo luận nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác chặt chẽ cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Thái Lan sẽ mang đến các hội nghị cấp cao những thông điệp và cam kết gì và mong đợi những kết quả nào tại các hội nghị này, thưa Ngài?
Thông điệp quan trọng nhất của chúng tôi là bắt buộc phải thúc đẩy các chương trình nghị sự vì người dân để bảo vệ nhân dân của chúng ta trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đầy thử thách này, cũng như để tạo ra môi trường chiến lược thuận lợi cho hòa bình và ổn định nhằm góp phần vào sự phục hồi mạnh mẽ và khả năng phục hồi cao hơn của khu vực.
Cụ thể, trong cuộc chiến tập thể chống dịch COVID-19, Thái Lan hoàn toàn ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về COVID-19 như Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN cho các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng và Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN.
Cũng cần nhấn mạnh đến việc phát triển thuốc và vaccine ngừa bệnh COVID-19 như là “hàng hóa công cộng toàn cầu” cũng như mở rộng hỗ trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất và các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong ASEAN, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những người cần được đảm bảo tiếp cận các cơ sở tài chính phù hợp.
Để xây dựng trở lại tốt hơn, việc đặt người dân làm trung tâm và thúc đẩy khả năng phục hồi và sự bền vững lâu dài của ASEAN là cần thiết. Hợp tác trong lĩnh vực này có thể được theo đuổi, bao gồm thông qua việc sử dụng các khuôn khổ và trung tâm hiện có của ASEAN như Trung tâm ASEAN về Nghiên cứu và Đối thoại Phát triển Bền vững ở Thái Lan. Tính bền vững và sự phục hồi hậu COVID-19 nên đi đôi với nhau.
Ngoài ra, trong bối cảnh địa chính trị thay đang đổi nhanh chóng và bối cảnh khu vực và toàn cầu, Thái Lan sẽ tái khẳng định sự ủng hộ đối với tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và thúc đẩy sự can dự mang tính xây dựng giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài, kể cả các cường quốc lớn. Chúng tôi sẽ khuyến khích việc sử dụng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một công cụ quan trọng để thúc đẩy sự tham gia đó sẽ góp phần vào sự ổn định và phát triển của khu vực.
Ngài đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN cùng với các thành viên khác trong việc hoàn thành tất cả các mục tiêu đặt ra trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ? Đâu là những đóng góp quan trọng của Việt Nam cho Năm ASEAN 2020, thưa Ngài ?
Tôi nghĩ về tổng thể, Việt Nam đã thực hiện một công việc đáng khen ngợi trong năm nay trong việc dẫn dắt ASEAN theo chủ đề ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Chủ đề này thực sự phù hợp và có thể áp dụng cả trước và sau khi COVID-19 bùng phát. Chủ đề đó không chỉ nhằm mục đích tăng cường sự thống nhất của ASEAN trong các hành động tập thể của chúng ta nhằm thúc đẩy những lợi ích của ASEAN mà còn giúp đảm bảo ASEAN phản ứng kịp thời và hiệu quả với những thách thức hiện có và mới nổi mà ASEAN phải đối mặt.
Trong suốt năm nay, Việt Nam tiếp tục thực hiện những ưu tiên của ASEAN từ các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN trước đây, chẳng hạn như phát triển bền vững, kết nối và thành phố thông minh. Khi xảy ra dịch COVID-19, nhờ sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN đã có thể nhanh chóng thành lập Nhóm công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về những tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào tháng 3 để điều phối phản ứng tập thể và toàn diện của ASEAN đối với đại dịch COVID-19.
Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về COVID-19 diễn ra dưới hình thức trực tuyến đã được triệu tập kịp thời vào giữa tháng 4, sau đó là một số hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài. Những can dự cấp cao này không chỉ thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ của ASEAN và các đối tác bên ngoài để làm việc cùng nhau, mà còn là minh chứng cho sức mạnh tập thể của ASEAN.
Những đóng góp của Việt Nam cho ASEAN vào năm 2020 sẽ đạt đến đỉnh cao tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan dưới các hình thức là những giao phẩm cụ thể nhằm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN và các sáng kiến khác nhau liên quan đến COVID-19 - nhiều sáng kiến trong số đó sẽ được thực hiện vào năm tới.
Tóm lại, 2020 là một năm quan trọng với nhiều thách thức phức tạp, đặc biệt là COVID-19. Dưới quyền Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN đã có thể đối phó với các vấn đề này một cách tương đối hiệu quả và tiếp tục tăng cường xây dựng Cộng đồng của chúng ta theo cách thức “gắn kết và chủ động thích ứng” để ASEAN có sự chuẩn bị tốt hơn cho mọi bất trắc trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn Ngài đã trả lời phỏng vấn!