Thái Lan gỡ 'bài toán' quá tải bệnh viện

Hình ảnh bác sĩ phải điều trị bệnh nhân COVID-19 trong những bãi đậu xe, nhà kho chứa hàng tại các sân bay ngay thủ đô Bangkok, nhiều bệnh nhân nhẹ được đưa về quê cách ly…. cho thấy một bức tranh ảm đạm của đại dịch tại Thái Lan.

Làn sóng dịch thứ 3 ập đến tấn công Thái Lan

Dịch bệnh COVID-19 tại Thái Lan ngày càng trầm trọng khi nhiều bệnh viện trong tình trạng quá tải, người bệnh bị bệnh viện từ chối. Làn sóng dịch thứ 3 bắt đầu tấn công Thái Lan từ tháng 4 với ổ dịch xuất hiện ở các địa điểm giải trí ban đêm. Sau đó, dịch lan rộng tới nhà máy, công trường, các khu đông dân cư, thậm chí cả trong nhà tù. Chỉ trong tháng 4, số các trường hợp tử vong tại Thái Lan đã tăng từ dưới 100 lên 4.116 ca tử vong.

Làn sóng dịch lớn chưa từng thấy đang ào ạt tấn công xứ sở chùa Vàng với kỷ lục số ca mắc theo ngày lên hơn 17.600 trường hợp, hơn 160 người đã tử vong, đưa tổng số ca mắc trong nước lên 561.000 người và 4.562 người đã tử vong.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân

Trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm của Đại học Thammasat GS Anucha Apisarnthanarak cho biết, vẫn chưa rõ khi nào số ca bệnh theo ngày sẽ giảm, bởi nhiều bệnh nhân không thể tiếp cận với xét nghiệm hoặc đang chống chịu với căn bệnh của mình tại nhà. “Cả bệnh viện công lẫn bệnh viện dã chiến đều không có đủ giường bệnh, người bệnh phải ở nhà hoặc ở những nơi điều trị tạm thời”, GS Anucha nói. Chính vì thế, việc lây lan dịch bệnh vẫn tiếp tục và đáng báo động. Người ta chứng kiến hàng dài những người xếp hàng ngoài các trung tâm xét nghiệm.

Nhóm hỗ trợ tình nguyện của anh Sai Mai - chuyên cung cấp vật tư y tế, máy theo dõi nồng độ ôxy hay bình ôxy - cho tờ The Guardian biết rằng, hồi tháng 6, nhóm nhận được khoảng 30 cuộc gọi cần hỗ trợ mỗi ngày, nhưng hiện con số này đã tăng lên tới 200 cuộc gọi.

Đến nay, quốc gia 66 triệu dân này mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 5,6% dân số mặc dù Thái Lan đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng cho khoảng 50 triệu người vào cuối năm nay. Số người được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin tại Thái Lan là 19,2%. Những chậm trễ trong triển khai vắc xin của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã nhận nhiều chỉ trích của người dân.

Gỡ "bài toán" quá tải

Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 ở Thái Lan đã gây áp lực lên hệ thống y tế của thành phố và chính phủ. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Thái Lan đã yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 9h tối, được áp dụng từ ngày 12/7, ở những khu vực có nguy cơ cao như thủ đô Bangkok.

Một người bệnh được nhân viên y tế theo dõi cách ly tại nhà ở ngay thủ đô

Một người bệnh được nhân viên y tế theo dõi cách ly tại nhà ở ngay thủ đô

Một bãi đậu xe cũng có thể biến thành bệnh viện điều trị bệnh COVID-19. Ngày 28/7, Thái Lan đã biến một nhà kho chứa hàng tại Sân bay Don Muang ở ngay thủ đô Bangkok thành một bệnh viện dã chiến với 1800 giường. Đây là bệnh viện điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 với những triệu chứng nhẹ.

Ông Rienthong Nanna, Giám đốc Bệnh viện Mongkutwattana, nói với Reuters: “Đây là bệnh viện dã chiến cấp 1+, nơi có thể tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân, những người có các triệu chứng ít nghiêm trọng. Nhưng nếu tình trạng của bệnh nhân xấu đi, họ sẽ được chuyển đến bệnh viện dã chiến khác như Bệnh viện dã chiến Pitak Rachan”. Theo các chuyên gia, số ca lây nhiễm vẫn tiếp tục tăng, Thái Lan cần nhiều bệnh viện dã chiến hơn.

Bên cạnh việc xây thêm bệnh viện dã chiến, một chiến lược mới đã được áp dụng tại Thái Lan. Theo tính toán, hầu hết trong số 4.451 giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 ở thành phố Bangkok với khoảng 15 triệu dân đều là những người bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Bệnh viện khuyến khích những bệnh nhân này cách ly tại nhà hoặc tại các trung tâm cách ly cộng đồng.

Chính quyền hỗ trợ đưa những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ về quê. Thái Lan đã huy động mọi phương tiện từ xe buýt, ô tô, xe tải, máy bay, thậm chí cả tàu hỏa cũng được huy động để vận chuyển bệnh nhân COVID-19 về quê- nơi ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết, chính quyền thành phố sẽ phối hợp với cơ quan đường sắt để lắp đặt 240 giường bệnh ở 15 toa tàu ở nhà ga Bang Sue cho bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng. Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, tất cả các quy trình vận chuyển bệnh nhân phải đảm bảo an toàn và được ngành y tế giám sát chặt sẽ. Những chuyến xe, tàu đưa bệnh nhân về quê sẽ không dừng tại đâu, và ở điểm đến sẽ có đội xe cấp cứu và cứu thương đón bệnh nhân về nhà.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là chiến lược mới này có thể giảm áp lực cho hệ thống y tế ở thủ đô trong ngắn hạn, nhưng nếu những bệnh nhân đó chuyển biến nặng, sẽ gây khó cho ngành y tế ở địa phương – nơi khả năng điều trị bệnh nặng còn nhiều hạn chế. Đây chính là khó khăn mới đặt ra cho ngành y tế Thái Lan trong lúc này…

Trần Hải

(theo CTVnews, TheGuardian)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thai-lan-go-bai-toan-qua-tai-benh-vien-n198506.html