Thái Lan hối thúc các quốc gia Mekong đoàn kết vượt qua thách thức

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mê Kông - Lan Thương (MLC) lần thứ 9 sẽ diễn ra tại Chiềng Mai (Chiang Mai), Thái Lan trong hai ngày 15-16/8, tập trung thảo luận tìm kiếm giải quyết các thách thức mà các nước tiểu vùng sông Mê Kông đang phải đối mặt, bao gồm phục hồi kinh tế và quản lý tài nguyên nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa sẽ cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 9 với sự tham dự của đại diện các nước thành viên cơ chế MLC gồm có Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin sẽ có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Hướng tới cộng đồng Mekong - Lan Thương an toàn và sạch hơn” tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 9 tại Chiang Mai. Ảnh: the Nation

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin sẽ có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Hướng tới cộng đồng Mekong - Lan Thương an toàn và sạch hơn” tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 9 tại Chiang Mai. Ảnh: the Nation

Tại kỳ họp lần này, các bên sẽ cùng thảo luận kế hoạch hợp tác tương lai trong khuôn khổ MLC, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 và tăng cường phòng chống tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là hoạt động băng nhóm tội phạm buôn bán ma túy bất hợp pháp và lừa đảo qua điện thoại.

Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin sẽ có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Hướng tới cộng đồng Mekong - Lan Thương an toàn và sạch hơn”, tái khẳng định cam kết của Thái Lan trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác thực chất nhằm giải quyết hiệu quả các thách thức mà các quốc gia tiểu vùng sông Mekong đang phải đối mặt, bao gồm phục hồi kinh tế và quản lý tài nguyên nước.

Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, Hội nghị dự kiến thông qua 4 văn bản bao gồm: Dự thảo Thông cáo báo chí chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 9; Dự thảo Sáng kiến về tăng cường hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương; Dự thảo Tuyên bố chung về Sáng kiến không khí sạch Mekong-Lan Thương; và Dự thảo Tuyên bố chung về Tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới theo Khung hợp tác Mekong-Lan Thương.

Khuôn khổ hợp tác MLC đã chính thức được thành lập vào năm 2016 với mục đích thúc đẩy kết nối và phát triển bền vững ở khu vực tiểu vùng sông Mekong, cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

Đây là khuôn khổ hợp tác về tài nguyên nước đầu tiên có sự tham gia của tất cả các quốc gia trong tiểu vùng sông Mekong gồm 6 quốc gia là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar, tập trung vào 3 trụ cột và 5 phương hướng ưu tiên. Trong đó, 3 trụ cột bao gồm: các vấn đề chính trị và an ninh; phát triển kinh tế bền vững; giao lưu xã hội, văn hóa và nhân dân. 5 phương hướng ưu tiên gồm: kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế xuyên biên giới, tài nguyên nước, nông nghiệp và giảm nghèo, thực hiện nhiều dự án có lợi cho dân sinh, tạo cơ sở vững chắc cho hợp tác toàn diện, lâu dài.

PV/VOV-Bangkok

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thai-lan-hoi-thuc-cac-quoc-gia-mekong-doan-ket-vuot-qua-thach-thuc-post1114222.vov