Thái Lan muốn cạnh tranh bằng được với Việt Nam
'Gói ưu đãi mới bao trùm lên nhiều biện pháp toàn diện, tăng cường sức hấp dẫn, đưa Thái Lan trở thành một điểm đến đầu tư cực tốt...
Thái Lan đang “dang rộng cánh tay” để đón các công ty Trung Quốc chạy khỏi Mỹ nhằm né chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bằng các khu vực đầu tư đặc biệt cùng những chương trình ưu đãi thuế quan. Họ hy vọng, chiến lược này sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh hơn so với quốc gia láng giềng Việt Nam, làm sống dậy hoạt động xuất khẩu và du lịch. Song kỳ vọng của Thái Lan đang đi ngược lại với dự đoán và đánh giá từ nhiều nhà phân tích.
Ưu đãi “khủng”
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), Thái Lan đang thực hiện một gói biện pháp ưu đãi được gọi là “Thailand Plus”, với hy vọng thu hút 100 công ty đầu tư, trong đó nhắm đích lớn đến các công ty Trung Quốc. “Gói ưu đãi mới bao trùm lên nhiều biện pháp toàn diện, tăng cường sức hấp dẫn, đưa Thái Lan trở thành một điểm đến đầu tư, cụ thể như các biện pháp tài chính ủng hộ phát triển nhân lực về toán học, kỹ thuật, công nghệ, khoa học; bãi bỏ một số quy định rườm rà, cải thiện dịch vụ trước và sau đầu tư”, ông Kobsak Pootrakool, Chánh văn phòng Nội các Thái Lan cho biết.
Mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay của Thái Lan là 20%, tương đương Việt Nam và họ đã cho phép các công ty trong Hành lang Kinh tế phía Đông, một khu vực kinh tế đặc biệt được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thuế trong 13 năm đầu và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.
Hơn nữa, theo gói ưu đãi mới, các dự án đầu tư trị giá ít nhất 1 tỉ baht (khoảng 32,6 triệu USD) còn được giảm giá 50% thuế trong 5 năm nữa (tổng cộng là 10 năm được giảm thuế 50%) với điều kiện các công ty này phải đầu tư đến tháng 12/2021.
Những công ty công nghệ và khoa học có thể được giảm thuế đối với chi phí thuê và đào tạo; những công ty đầu tư vào lĩnh vực chế tạo và sản xuất ô tô được thêm một số ưu đãi khác. Các biện pháp trên được đưa ra với mục đích chính là nhằm cạnh tranh với lợi thế mà Việt Nam đang nắm trong tay với nhiều quyền lợi (bao gồm miễn thuế tới 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo và chính sách giảm 10% đặc biệt trong 15 năm)…
Ông Pootrakool nhận định: “Chúng tôi tự tin, các khoản đầu tư này sẽ giúp Thái Lan cạnh tranh hơn so với Việt Nam”. Bởi chính sách này phù hợp với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, chính sách Phương Nam mới của Hàn Quốc, Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhật Bản và Mỹ, chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Ngoài ra, Thái Lan cũng có lợi thế vì là trung tâm kết nối nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Dù tự tin như vậy nhưng ông Pootrakool phải thừa nhận, đất nước Chùa Vàng đang phải gắng sức đuổi theo vị thế của Việt Nam sau khi Hà Nội đã đạt được nhiều thỏa thuận thương mại tự do.
Nhưng vẫn chưa đủ?
Theo một số nhà phân tích, “Thailand Plus” vẫn chưa đủ để đưa Bangkok vượt mặt Hà Nội - nơi mà rất nhiều công ty Trung Quốc đang tìm đến để làm chỗ lánh “đòn thuế quan” của Mỹ. Bởi Việt Nam vừa có chi phí nhân công rẻ vừa có nhân lực dồi dào.
Ông Nonarit Bisonyabut, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan cho biết, “Thailand Plus” sẽ mang đến lợi ích cho các công ty công nghệ cao trong đó có các ngành như bảo trì máy bay, kho vận và logistics nhưng có lẽ không đủ để hấp dẫn các công ty quốc tế đang tìm kiếm một cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á.
Ông Siwat Luangsomboon, nhà phân tích kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn đồng tình rằng, chi phí lao động tương đối cao của Thái Lan đồng nghĩa những biện pháp miễn thuế mà họ đưa ra không đủ hấp dẫn để có thể “chiêu dụ thêm khách mới” hay kéo các nhà đầu tư ra khỏi Việt Nam.
Chưa kể, Hà Nội không phải là đối thủ duy nhất của Bangkok trong khu vực, đang cạnh tranh về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Ngay đầu tháng này, Indonesia đã thông bao kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 20% bắt đầu từ năm 2021 và mức 17% trong thời gian hạn chế đối với các công ty niêm yết chứng khoán. Nước này cũng cam kết thực hiện cải tổ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập…