Thái Lan - nan giải bài toán trợ giá năng lượng

Trợ giá năng lượng kéo dài trong suốt những tháng qua đang khiến tình hình ngân sách của Chính phủ Thái Lan đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng việc giảm hỗ trợ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nhân viên bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trợ cấp năng lượng của Chính phủ Thái Lan đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước này kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022.

Trong khi giá dầu thế giới vẫn ở mức cao, những nỗ lực của chính phủ nhằm kìm hãm tốc độ tăng giá dầu dieselvà điện đang trở thành tâm điểm chú ý khi các doanh nghiệp và hộ gia đình tiếp tục lo lắng về chi phí sinh hoạt tăng cao.

Một trong những khoản trợ cấp đầu tiên mà Thái Lan đưa ra là giúp người dân giảm hóa đơn tiền điện nhằm góp phần đối phó với tác động của đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Kể từ đó, nước này tiếp tục trợ giá điện cho đến ít nhất vào cuối tháng 8/2022, sau khi giá dầu trên thế giới tăng mạnh do xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Vào tháng 7/2022, Hội đồng quản trị của Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT Plc) đã quyết định đóng góp 3 tỷ baht (hơn 820 triệu USD) cho Quỹ Nhiên liệu dầu, vốn đang nợ chồng chất sau nhiều tháng chi trả các chương trình trợ giá dầu diesel và LPG. Khoản kinh phí này dự kiến được đóng góp từ tháng 7-9/2022, trong bối cảnh chính phủ đang lên kế hoạch tăng thuế thu nhập từ các nhà máy lọc dầu để bơm thêm tiền vào quỹ hỗ trợ đang gây ra nhiều tranh cãi.

Việc giá năng lượng tăng cao kéo theo lạm phát cao hơn, không chỉ cản trở cho quá trình phục hồi kinh tế ở Thái Lan mà còn làm cạn kiệt ngân khố của đất nước vào thời điểm quốc gia Đông Nam Á này đang rất cần tiền để ứng phó với những thảm họa kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

* Cái giá của việc phong tỏa

Khi làn sóng đầu tiên của dịch COVID-19 ập tới vào đầu năm 2020, việc áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã khiến các cơ quan phân phối điện của Thái Lan thiệt hại hàng tỷ baht do phải trợ cấp tiền điện. Vào thời điểm đó, Tổng thư ký của Ủy ban Điều tiết Năng lượng (ERC) Thái Lan Khomgrich Tantravanich lưu ý chính phủ nên tìm kiếm các khoản vay vì ông thấy trước các khoản chi lớn để phục vụ chương trình trợ cấp.

Cơ quan Điện lực đô thị (MEA) và Cơ quan Điện lực tỉnh (PEA) đã giảm 3% giá điện cho các hộ gia đình trên toàn đất nước từ tháng 4-6/2020, đồng thời hỗ trợ chi phí tiền điện từ tháng 3-5/2020 khi mọi người được khuyến khích làm việc tại nhà để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Điều này khiến Tổng Công ty điện lực Thái Lan (EGAT) cũng bị ảnh hưởng do MEA và PEA là khách hàng của họ.

MEA và PEA đã hoàn trả khoản tiền đặt cọc của các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, vốn được chi trả cho hai cơ quan này để đấu nối vào lưới điện quốc gia. Tiền đặt cọc cho một đồng hồ đo điện có giá từ 300-2.000 baht. Bên cạnh đó, các khoản chiết khấu và hoàn tiền đã tiêu tốn của các cơ quan nhà nước khoảng 40 tỷ baht.

* Tài chính hạn hẹp

Giá dầu toàn cầu ở mức thấp trước khi bắt đầu tăng vào cuối năm 2021, nhưng Chính phủ Thái Lan vẫn phải chi một khoản lớn trong thời kỳ đại dịch để vực dậy nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng kể từ năm 2020. Thái Lan đã ban hành sắc lệnh cho vay khẩn cấp đầu tiên vào năm 2020 trị giá 1.000 tỷ baht thông qua các gói hỗ trợ nhằm kích thích nền kinh tế. Một sắc lệnh thứ hai đã được ban hành vào năm ngoái cho phép mở rộng gói hỗ trợ thêm 500 tỷ baht.

Sau hơn 2 năm thực hiện các khoản chi lớn để giúp đỡ người dân và doanh nghiệp, Tổng thư ký của Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan Danucha Pichayanan cho biết chính phủ hiện chỉ có không gian tài chính hạn chế để thúc đẩy nền kinh tế.

Chính phủ đã phải gánh vác những gánh nặng tài chính nặng nề này ngay cả khi giá dầu toàn cầu ở mức thấp nhất vào năm 2020. Vào tháng 4/2020, một cuộc chiến giá dầu đã nổ ra giữa Nga và Saudi Arabia. Giá dầu giảm khi Saudi Arabia tăng đáng kể sản lượng để trừng phạt Nga vì không đồng ý cắt giảm sản lượng. Cuộc giằng co diễn ra cùng lúc với đại dịch khiến nhu cầu dầu toàn cầu giảm mạnh. Trong tuần đầu tiên của tháng 4/2020, giá dầu WTI giảm đáng kể, thậm chí xuống mức âm 37,63 USD/thùng do nhu cầu dầu yếu và các nhà sản xuất dầu toàn cầu không kiểm soát được sản lượng, dẫn đến cung vượt quá cầu.

* Hướng đi nào sắp tới

Theo các số liệu được công bố ngày 25/7 vừa qua, kể từ khi giá dầu toàn cầu tăng vọt vào cuối năm ngoái, Quỹ Nhiên liệu dầu lỗ khoảng 115 tỷ baht do trợ cấp cho dầu diesel và LPG, một gánh nặng tài chính khổng lồ đòi hỏi giới chức trách phải làm chậm dòng chảy của quỹ.

Dầu thô đắt hơn một phần là do nhu cầu cao hơn sau khi các nước nới lỏng các biện pháp phong tỏa và mở cửa trở lại nền kinh tế của họ. Giá dầu tiếp tục tăng cao và vượt ngưỡng 100 USD/thùng sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh đối với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Các khoản trợ cấp thấp hơn đối với nhiên liệu không chỉ làm tăng giá bán lẻ dầu diesel và LPG, mà còn dẫn đến giá điện cao hơn từ tháng Chín tới khi chương trình trợ cấp giá điện của EGAT, vốn đã tiêu tốn 80 tỷ baht, sẽ chấm dứt trong tháng này.

Để giảm bớt áp lực cho Quỹ Nhiên liệu dầu, các nhà chức trách đã dùng đến biện pháp cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với động cơ diesel, mặc dù biện pháp này sẽ làm giảm nguồn thu của nhà nước.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Supattanapong Punmeechaow cho biết, Bộ Năng lượng đã cung cấp cho Bộ Tài chính những dữ liệu cần thiết để tính toán thời gian tiếp tục cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng đối với nhiên liệu. Việc cắt giảm 5 baht/lít thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel dự kiến chỉ kéo dài đến ngày 20/7 vừa qua, nhưng chính phủ đã gia hạn cắt giảm thêm 2 tháng (đến ngày 20/9), để giảm thiểu tác động của việc giá năng lượng cao.

Trước đó, Thái Lan đã áp dụng đợt cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt động cơ diesel là 3 baht/lít từ ngày 18/2/2022. Thư ký thường trực tại Bộ Năng lượng Kulit Sombatsiri nhấn mạnh việc cắt giảm thuế sẽ giúp chính phủ ứng phó tốt hơn với việc giá dầu tăng vọt trong bối cảnh ngân sách eo hẹp.

Những hạn chế về ngân sách cũng đang bộc lộ trong lĩnh vực điện vì EGAT chỉ có nguồn lực hạn chế trong việc trợ cấp cho các hóa đơn điện. Trước đó, EGAT trước đó đã đồng ý chi 80 tỷ baht, tương đương khoảng 0,24 baht/KWh để trợ giá điện khoảng thời gian từ tháng 5-8 năm nay.

Khung giá điện thường được điều chỉnh 4 tháng/lần. Lần điều chỉnh mới nhất được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 5-8/2022 khiến giá điện dừng ở mức là 4 baht/KWh. Lần điều chỉnh tiếp theo dự kiến sẽ tăng 0,4 baht/KWh trong khoảng thời gian từ tháng 9-12 năm nay, khiến giá điện sẽ tăng lên mức cao kỷ lục 4,4 baht/KWh.

Biểu giá điện cao hơn chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nhập khẩu nhiều khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), vốn tốn kém nhưng hiện đang được coi là nhiên liệu chính để sản xuất điện. Khí đốt chiếm khoảng 60% nhiên liệu dùng để sản xuất điện ở Thái Lan. Nguồn cung khí đốt nội địa ở Vịnh Thái Lan sụt giảm khiến các nhà chức trách phải nhập khẩu nhiều LNG hơn.

Ông Khomgrich Tantravanich, Tổng thư ký ERC cho biết, các nhà chức trách có thể tăng dần biểu giá điện, tránh việc tăng mạnh một lần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp./.

Huy Tiến (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thai-lan-nan-giai-bai-toan-tro-gia-nang-luong/253431.html