Thái Lan thúc đẩy số hóa giáo dục trong chuyển đổi số quốc gia

Thái Lan là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia, trong đó trước hết là lĩnh vực giáo dục. Kế hoạch thiết lập 1.500 lớp học số cho các trường học trên toàn quốc nằm trong chiến lược thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, của ngành giáo dục Thái Lan nói riêng.

Những dự án chuyển đổi số tham vọng

Theo Bộ Kinh tế và Xã hội Số (DES) Thái Lan, nước này đã bắt tay vào dự án đầy tham vọng mang tên “Mã hóa vì cuộc sống tốt đẹp hơn: Xây dựng nền tảng cho tương lai của Thái Lan”. Theo dự án, Thái Lan sẽ thiết lập 1.500 lớp học số cho các trường học trên toàn quốc để đào tạo ít nhất 100.000 lao động trong lĩnh vực này mỗi năm.

Học sinh tiểu học Thái Lan sử dụng máy tính bảng được cấp trong học tập

Học sinh tiểu học Thái Lan sử dụng máy tính bảng được cấp trong học tập

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan Prasert Jantararuangtong cho biết, các nghiên cứu gần đây cho thấy, Thái Lan hiện cần trung bình 100.000 lao động số mỗi năm, trong khi ngành giáo dục chỉ đào tạo ra khoảng 25.000 nhân lực như vậy mỗi năm. Do đó, ông Prasert Jantararuangtong cho rằng, nếu không có hành động để giải quyết khoảng cách này, Thái Lan sẽ gặp khủng hoảng. Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan đã đề ra các chiến lược cả ngắn và dài hạn để đào tạo nhân lực số. Kế hoạch ngắn hạn bao gồm việc đề xuất triển khai Thị thực tài năng số toàn cầu và giới thiệu một danh mục duy nhất dành cho những cư dân có khả năng số đặc biệt.

Về chiến lược dài hạn, Cơ quan Xúc tiến kinh tế số của Thái Lan (DEPA) đang tích cực thúc đẩy phát triển kiến thức và kỹ năng số cho số đông người dân Thái Lan, trong đó các lớp học viết mã đóng một vai trò quan trọng. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của DEPA Nuttapon Nimmanpatcharin cho biết, trong dự án “Mã hóa vì cuộc sống tốt đẹp hơn” các khóa học chuyên ngành về ngôn ngữ lập trình sẽ được dạy cho sinh viên. Cơ quan này cũng sẽ cung cấp các khóa học chuyên biệt từ mạng lưới đối tác cũng như các thiết bị dạy và học được sử dụng trong chương trình giảng dạy, chẳng hạn như máy tính, máy tính xách tay, máy tính bảng, cũng như các công cụ mã hóa và robot.

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng mã hóa và hệ sinh thái số liên quan để cải thiện khả năng sẵn sàng học tập, người đứng đầu DEPA cho biết thêm, cơ quan này sẽ xúc tiến đào tạo ít nhất 3.000 giáo viên và mở 20 khóa học kỹ năng giảng dạy liên quan đến phát triển mã hóa ở 3 cấp độ - cơ bản, trung cấp và nâng cao. Hiện, có khoảng 700 trường học đã đăng ký tham gia chương trình này và DEPA kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu 1.500 trường học trong quý đầu tiên của năm tới. Nhằm thúc đẩy kỹ năng viết mã trong giới trẻ Thái Lan, DEPA cũng sẽ tổ chức một cuộc thi viết mã quốc tế với tổng giải thưởng hơn 1 triệu baht (tương đương 28.637 USD).

Ngoài dự án “Mã hóa vì cuộc sống tốt đẹp hơn: Xây dựng nền tảng cho tương lai của Thái Lan”, đất nước Chùa Vàng còn có nhiều dự án, chương trình khác nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo. Bộ Giáo dục Thái Lan đang chuẩn bị khôi phục chương trình cung cấp cho tất cả học sinh và giáo viên trên toàn quốc mỗi người một máy tính bảng để thúc đẩy cơ hội bình đẳng trong giáo dục. Chương trình “một học sinh, một máy tính bảng” được chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đề xuất lần đầu tiên vào năm 2011. Việc phân phát máy tính bảng cho 860.000 học sinh lớp 1 bắt đầu vào giữa năm 2012 với ngân sách 1,7 tỷ baht (gần 48 triệu USD).

Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết, mục tiêu của chương trình nhằm thúc đẩy tinh thần học tập của học sinh. Theo chương trình, mỗi học sinh sẽ được cung cấp một máy tính bảng để giảm sự chênh lệch về cơ hội giáo dục giữa nhiều khu vực của Thái Lan, đồng thời gia tăng số lượng học sinh và giáo viên tiếp cận công nghệ, qua đó góp phần chuyển đổi số trong giáo dục.

Đưa Thái Lan vào kỷ nguyên của nền kinh tế số

Bộ trưởng Prasert Jantararuangtong nêu rõ, các sáng kiến như dự án “Mã hóa vì cuộc sống tốt đẹp hơn: Xây dựng nền tảng cho tương lai của Thái Lan” sẽ thúc đẩy bồi dưỡng tài năng số của đất nước. Người đứng đầu Kinh tế và Xã hội số khẳng định, đây yếu tố quan trọng giúp Thái Lan làm chủ trong kỷ nguyên kinh tế số.

Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực trong 2 năm qua. Thái Lan đặt mục tiêu tăng nền kinh tế số lên 50% vào năm 2030. Việc tạo thu nhập từ dữ liệu cũng được dự báo sẽ tăng lên gấp 6 lần vào năm 2030 và nền kinh tế số sẽ tạo ra khoảng 60-65 triệu việc làm mới cho đất nước Thái Lan trong tương lai.

Theo báo cáo đánh giá Chỉ số sẵn sàng kết nối (Networked Readiness Index - NRI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Thái Lan xếp thứ 46 trong số 131 nền kinh tế được đánh giá năm 2022, tăng từ vị trí 54 vào năm 2021. Với kết quả này, Thái Lan đứng ở vị trí thứ 3 trong số 8 nền kinh tế được đánh giá năm 2022 thuộc ASEAN với số điểm là 56,56, chỉ sau Singapore (79,35 điểm) và Malaysia 60,58 điểm.

Theo báo cáo, xét về cả điểm số NRI và GDP bình quân đầu người, Thái Lan có mức độ sẵn sàng kết nối lớn hơn dự kiến so với mức thu nhập của mình. Nhờ các chính sách của chính phủ, quốc gia này đang đi trước các nước láng giềng trong khu vực về sự phát triển nền kinh tế số. Một báo cáo năm 2021 của Công ty tư vấn kinh tế AlphaBeta (Singapore) cho thấy, chuyển đổi số ở Thái Lan có thể tạo ra giá trị kinh tế hàng năm lên tới 79,5 tỷ USD đến năm 2030.

Trong những năm qua, Chính phủ Thái Lan đã ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, điều mà nước này xem là một động lực cơ bản để thúc đẩy đất nước hướng tới nền kinh tế số. Thái Lan đã thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy nước này hướng tới “Thái Lan 4.0” thông qua việc thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và viễn thông. Chiến lược “Thái Lan 4.0” là mô hình kinh tế nhằm chuyển đổi Thái Lan từ một nước được định hướng bởi công nghiệp sang một đất nước được định hướng bởi công nghệ cao.

Để thực hiện chiến lược “Thái Lan 4.0” được Chính phủ Thái Lan đưa ra với mục tiêu xây dựng một xã hội và nền kinh tế số, giúp Thái Lan có thể trở thành “nhà lãnh đạo số”. Theo đó, Thái Lan tập trung tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, như phát triển kết cấu hạ tầng, sáng kiến, dữ liệu, nguồn lực con người và những nguồn lực kỹ thuật số khác để đưa đất nước đến thịnh vượng, ổn định và bền vững.

Chính phủ Thái Lan cho rằng, sự tiến bộ của nền kinh tế số sáng tạo sẽ liên kết tất cả các ngành và cho phép người dân sử dụng công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thông qua các công nghệ mới như 5G, điện toán đám mây (computing cloud), dữ liệu lớn (big data) và AI để có thể mở ra cơ hội phát triển cho tất cả các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng sẽ tập trung hợp tác với khu vực tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng cứng để cung cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp thúc đẩy kinh tế số, như Internet băng thông rộng tốc độ cao, các trung tâm dữ liệu khác nhau và các cổng kỹ thuật số… nhằm thúc đẩy nền kinh tế số của địa phương.

Thái Lan tin rằng, cơ sở hạ tầng và nền tảng kỹ thuật số cùng các biện pháp đồng bộ khác, trong đó có đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, sẽ đưa nước này vào kỷ nguyên của nền kinh tế số và đóng góp vào sự tăng trưởng toàn diện của đất nước.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thai-lan-thuc-day-so-hoa-giao-duc-trong-chuyen-doi-so-quoc-gia-post561803.antd