Thái Lan - Việt Nam: Nhìn từ lăng kính của Kiatisak và 'Messi Thái'
Bóng đá Việt Nam liệu có phát triển hơn so với Thái Lan sau 1 giai đoạn thành công dưới thời HLV Park Hang Seo?
Người hâm mộ Việt Nam chắc chắn không thích nghe kiểu nhận xét Thái Lan hơn Việt Nam. Ngược lại, CĐV xứ chùa Vàng cũng chẳng thích đội nhà bị đánh giá thấp hơn Việt Nam. Bản ngã của vấn đề có thể thấy từ sự thù hận quá lớn về chuyện hơn thua ở sân chơi khu vực của hai đội tuyển quốc gia.
Bóng đá Thái Lan qua lăng kính Kiatisak và “Messi Thái”
Bóng đá Thái Lan ở đâu so với khu vực Đông Nam Á? Câu trả lời này sẽ có từ những câu chuyện thực tế mà người Thái đã và đang cố gắng thay đổi trong mấy năm qua.
Năm 2017, Thái Lan gần như no nê danh hiệu ở khu vực. Họ không cần Kiatisak cầm quân dự SEA Games 29 ở Malaysia, thay vào đó “Zico Thái” bận chăm lo cho ĐTQG. Người Thái tự tin rằng không cần đến Kiatisak vẫn “lấy HCV SEA Games. Thực tế, U22 Thái Lan đã dễ dàng làm được điều này khi hạ những đội bóng mạnh như U22 Việt Nam, U22 Malaysia.
Dưới thời Kiatisak, Thái Lan trở lại thống trị bóng đá khu vực bằng cú đúp danh hiệu AFF Cup và SEA Games. Họ cũng bắt đầu vươn ra châu lục khi đi đến bán kết ASIAD 17 (năm 2014), còn ĐTQG vào đến vòng loại cuối cùng của World Cup 2018. Nhưng việc xếp bét bảng khiến cho người Thái nhận ra trình độ còn khoảng cách quá lớn so với những đội bóng mạnh nhất châu Á, họ phải tiếp tục thay đổi.
Kiatisak - huyền thoại có công làm hồi sinh bóng đá Thái Lan, thống trị bóng đá khu vực, cuối cùng phải chia tay ĐTQG. Liên đoàn bóng đá Thái Lan cần một luồng gió mới để nghĩ đến tấm vé World Cup, hay đúng hơn là nâng tầm để bắt kịp những Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tất nhiên, sự nâng tầm 1 nền bóng đá không chỉ ở cấp độ huấn luyện mà cần thêm 1 quá trình dài hơi về khâu đào tạo trẻ, bóng đá Thái Lan có độ vênh nhất định về năng lực cầu thủ so với châu lục nên cuộc cách mạng thất bại. Đây cũng là giai đoạn chững lại của người Thái ở khu vực, dù họ xác định phải vươn ra châu lục.
Sự phát triển của bóng đá Thái Lan còn phải nhìn qua lăng kính của những cầu thủ xuất ngoại, điển hình là Chanathip khẳng định được vai trò quan trọng ở J.League 1 (giải vô địch quốc gia Nhật Bản). “Messi Thái” được bàu vào đội hình tiêu biểu của J.League ở mùa bóng năm ngoái. Đó là một câu chuyện đáng để nói khi Đông Nam Á chưa có nhiều cầu thủ chơi tốt tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ví dụ Công Phượng, Xuân Trường đến hai nền bóng đá này đều không thể trụ lại.
“Messi Thái” được xem như sự thành công của bóng đá Thái Lan hướng ra châu lục trong việc xuất khẩu cầu thủ. Người Thái muốn nâng tầm nền bóng đá thì cần thêm nhiều cầu thủ như Chanathip đủ đẳng cấp đá ở Nhật Bản, Hàn Quốc, xa hơn là hướng sang châu Âu.
Từ lăng kính Kiatisak bị sa thải dù đang rất thành công ở cấp độ khu vực đến “Messi Thái”, có thể thấy bóng đá Thái Lan đã có cái nhìn xa hơn là chuyện thống trị bóng đá Đông Nam Á.
Đến sự vươn lên của bóng đá Việt Nam
Việt Nam hay Thái Lan là số 1 Đông Nam Á? Câu hỏi này xuất hiện nhiều sau khi HLV Park Hang Seo tạo dựng được những thành công vang dội. Thực ra, câu hỏi này không phải là vấn đề lớn lao, bởi đội nào mạnh hơn thì suy nghĩ gói gọn cấp “ao làng” có thể khiến cả hai chững lại.
Ví dụ bóng đá Úc phải xin sang châu Á là một bài học đáng suy ngẫm. Họ không có một đối thủ xứng tầm ở châu Đại dương nên cần đến châu Á, qua đó có những đối trọng tương xứng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran. Tuyển Úc không thể chờ đợi đến World Cup lại đi đá play-off theo kiểu mặc định sẵn. Họ sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các đội châu Á, vừa có được sự cọt xát để phát triển, vừa mở ra một tấm vé đi thẳng đến World Cup.
Thái Lan chắc chắn có những động lực để thay đổi sau khi bóng đá Việt Nam vươn lên. Sự cạnh tranh luôn giúp cho cả hai cùng phát triển. Đúng hơn, Thái Lan cần sự phát triển của Việt Nam để có một đối trọng ở tầm khu vực sau một chu kỳ thống trị. Ngược lại, Thái Lan chính là động lực để Việt Nam cố gắng vươn lên, sau đó hướng ra châu lục.
Với bóng đá Việt Nam, sự phát triển đang khác biệt so với bóng đá Thái Lan. Chúng ta nhờ công của các ông bầu, điển hình bầu Đức mở Học viện bóng đá HAGL -JMG cách đây 12 năm. Vai trò của Liên đoàn bóng đá chưa thể hiện được như Thái Lan, ít nhất là trong vai trò tầm nhìn để dám thay đổi một cách có hệ thống. Người Thái sau khi “phế” Kiatisak là thay đổi toàn bộ triết lý để đi theo một hướng chung, còn bóng đá Việt Nam chưa có sự thống nhất lối chơi, triết lý ở các cấp độ ĐTQG.
Điển hình VFF thay HLV như thay áo nhưng mục đích là chạy theo thành tích, chứ không phải hướng đến sự phát triển toàn diện. Ví dụ HLV Park Hang Seo sẽ phải “vừa bồng em, vừa xay lúa” trong thời gian tới, khi VFF muốn có thành tích tốt ở vòng loại World Cup 2022 và HCV SEA Games 30.
Quy hoạch tầm nhìn chiến lược dài hạn cho 1 nền bóng đá rất quan trọng để phát triển. Thế nên, thành bại trong 1 trận đấu chỉ mang tính tạm thời và tính thời điểm, nó chưa phải là thước đo chung. Kiểu như chẳng ai nói bóng đá Hàn Quốc vượt mặt người Đức sau khi đội bóng xứ Kim chi “đo ván” tuyển Đức 2-0 ở World Cup 2018. Việt Nam hạ Thái Lan ở King's Cup 2019 cũng không thể nói nền bóng đá Thái Lan kém hơn chúng ta.
Đó cũng là lý do bầu Đức bảo rằng: Chưa ai dám nói bóng đá Việt Nam hơn Thái Lan, còn các ĐTQG đang thắng Thái Lan chỉ mang tính thời điểm.