Thái Nguyên khẳng định vị thế trên 'bản đồ' chuyển đổi số quốc gia

Thái Nguyên đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, đồng thời đạt nhiều kết quả tiêu biểu ghi dấu vị thế của trên 'bản đồ' chuyển đổi số quốc gia.

Với 15 chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên không chỉ thực hiện đạt và vượt hằng năm mà qua thực hiện Nghị quyết, CĐS đã đi vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi nhận thức của công chức, viên chức và đông đảo nhân dân.

Hơn 3 năm qua, người dân xóm Nác, xóm đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở của xã Liên Minh (Võ Nhai), đã được tiếp cận với Internet thông qua hệ thống cáp quang băng thông rộng do VNPT cung cấp. Một số chòm dân cư trong xóm chưa có sóng điện thoại di động do địa hình rộng, chia cắt, đường xá khó khăn, bà con đã duy trì liên lạc bằng ứng dụng Zalo qua Internet.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, 100% xóm trên địa bàn tỉnh đã được kết nối Internet băng thông rộng qua hạ tầng mạng lưới cáp quang với tốc độ tải về trung bình đạt 87Mbps, tăng hơn 30% so với năm 2021 và tương đương mức trung bình toàn quốc.

Với hạ tầng viễn thông, bên cạnh phát triển mạng lưới Internet cáp quang băng thông rộng, tỉnh quan tâm phát triển mạng lưới viễn thông di động. Song song với hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cũng được quan tâm đầu tư xây dựng từ tỉnh đến xã. Các hệ thống thông tin được triển khai kết nối liên thông từ tỉnh đến xã và với Trung ương cùng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc và tiết kiệm chi phí.

Đến nay, tốc độ truy cập mạng băng rộng trên địa bàn tỉnh ở mạng di động băng rộng đạt 45 Mbps, đối với mạng cố định băng rộng đạt 87 Mbps; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%; tỷ lệ hộ có điện thoại thông minh đạt 97%; tỷ lệ hộ có Internet băng rộng cáp quang đạt 76%. Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông với 1.830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (BTS).

Tổng số thuê bao điện thoại di động toàn tỉnh là gần 1,53 triệu thuê bao, đạt 114 thuê bao/100 dân. Trong đó có gần 1,21 triệu thuê bao có sử dụng dịch vụ 3G/4G; số lượng thuê bao truy cập Internet băng rộng là gần 1,49 triệu thuê bao, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ xóm, bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,6%.

Toàn tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 7 xóm, bản thuộc huyện Võ Nhai chưa có sóng di động 3G/4G, do địa hình núi cao, hiểm trở khó lắp đặt trạm phát sóng.

Thực hiện chủ trương cài đặt và sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử (STĐVĐT) cho các đảng viên, Thường trực Đảng ủy xã Thượng Nung đã phân công cán bộ, đảng viên trực tiếp đến cơ sở khảo sát và hỗ trợ các chi bộ nông thôn cài đặt và sử dụng STĐVĐT theo hình thức hướng dẫn trực tiếp. Còn đối với các vùng khó kết nối Internet và một số đảng viên chưa có điện thoại thông minh, chi bộ vận dụng cả hai hình thức là sử dụng STĐVĐT và in tài liệu như trước đây, bảo đảm duy trì chế độ sinh hoạt đúng định kỳ.

Tại các địa phương khác, nhiều cách làm phù hợp cũng được các đảng bộ vận dụng, triển khai có hiệu quả. Qua đó góp phần đưa tỷ lệ sử dụng STĐVĐT toàn tỉnh lên gần 94% với trên 93 nghìn tài khoản đã được đăng ký. Trong đó, 94% tài khoản đăng ký đã được cập nhật, chuẩn hóa thông tin. Ứng dụng STĐVĐT của tỉnh cũng đã cập nhật hơn 2,8 nghìn văn bản, tài liệu trên hệ thống; biên soạn và dẫn nguồn 748 tin, bài. Đến nay đã có hơn 2,1 triệu lượt truy cập vào ứng dụng.

Tương tự ứng dụng STĐVĐT, các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên đã được triển khai tại 48 sở, ban, ngành; 8 đơn vị cấp huyện (TP. Thái Nguyên sử dụng hệ thống riêng) và 100% xã/phường trực thuộc với trên 12 nghìn tài khoản người dùng; cấp gần 17,6 nghìn hòm thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn; kết nối thông suốt đến 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Chính quyền số là chính quyền có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu, công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn.

Xác định rõ vai trò của chính quyền số, tỉnh Thái Nguyên đã dần chuyển đổi hình thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số với mục tiêu trở thành chính quyền số phục vụ nhân dân trên nền tảng số.

Chính vì vậy, tỉnh cũng ưu tiên triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đồng thời đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và xây dựng đô thị thông minh…

Qua đó, đến nay toàn tỉnh đã thu nhận trên 847 nghìn tài khoản định danh điện tử mức 2, kích hoạt trên 811 nghìn tài khoản, đạt tỷ lệ kích hoạt 96%; trên 529 nghìn tài khoản bảo hiểm xã hội giao dịch điện tử cá nhân được phê duyệt.

Đối với dịch vụ công trực tuyến, từ đầu năm đến đầu tháng 9-2024 toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 487 nghìn hồ sơ, xử lý trên 475 nghìn hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,78%...

Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông, quản trị các ứng dụng số của tỉnh Thái Nguyên.

Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông, quản trị các ứng dụng số của tỉnh Thái Nguyên.

Theo chiến lược quốc gia, kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột của CĐS. Trong đó, kinh tế số gồm 3 cấu phần: Kinh tế số thuần ICT/Viễn thông; kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số Internet) và kinh tế số ngành/lĩnh vực dựa trên việc chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, tối ưu hóa vận hành, tạo giá trị kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới…

Tại Thái Nguyên, hơn 3 năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai và phát triển kinh tế số với nhiều giải pháp hiệu quả. Các doanh nghiệp và người dân đã thấy được lợi ích từ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, từ đó tích cực hưởng ứng.

Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua hệ thống ngân hàng đối với các dịch vụ công, thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chế độ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh...

Cùng với đó, các sở, ngành tăng cường hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp số. Trong đó chú trọng tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và các giải pháp trên nền tảng số.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho người dân, tăng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế…

Toàn tỉnh hiện có trên 5 nghìn doanh nghiệp số, trong đó có trên 300 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số, tư vấn giải pháp chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin. Tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn trong năm 2023 đạt khoảng 815 nghìn tỷ đồng; 8 tháng năm 2024 đạt trên 530 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Toàn tỉnh đã triển khai 107 chợ 4.0, đạt 100% các chợ đủ điều kiện triển khai; 820/898 doanh nghiệp, hộ kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế khởi tạo từ máy tính tiền, đạt tỷ lệ 91,3%...

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, phong trào livestream bán nông sản ngày càng được nhân rộng đem lại hiệu quả cao. Đầu tháng 8 vừa qua, tại khu vườn na xóm Xuân Hòa, xã La Hiên - nơi khởi phát những diện tích trồng na thương phẩm đầu tiên trên địa bàn, UBND huyện Võ Nhai phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Chương trình livestream Phiên chợ na La Hiên và nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên.

Trong phiên livestream từ 10 giờ đến 14 giờ cùng ngày đã có trên 6 triệu lượt xem trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội và 865 đơn đặt hàng trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, riêng sản phẩm na được xuất bán gần 4,7 tấn, doanh thu ước đạt trên 370 triệu đồng.

 Trong phiên livestream, riêng sản phẩm na được xuất bán gần 4,7 tấn, doanh thu ước đạt trên 370 triệu đồng.

Trong phiên livestream, riêng sản phẩm na được xuất bán gần 4,7 tấn, doanh thu ước đạt trên 370 triệu đồng.

Đồng bào người dân tộc Dao xóm Ba Họ (xã Yên Ninh, Phú Lương) sử dụng điện thoại thông minh truy cập Internet băng thông rộng không dây 4G ngay tại trung tâm xóm.

Đồng bào người dân tộc Dao xóm Ba Họ (xã Yên Ninh, Phú Lương) sử dụng điện thoại thông minh truy cập Internet băng thông rộng không dây 4G ngay tại trung tâm xóm.

Xã hội số là xã hội hiện đại được áp dụng và tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, làm thay đổi thói quen học tập, làm việc, giao tiếp, mua sắm, giải trí… của tất cả mọi người dân, hình thành nên công dân số và văn hóa số.

Xác định đây là một trong những trụ cột CĐS, ngành Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các nền tảng ứng dụng dữ liệu và công nghệ số để xây dựng một xã hội số đem lại tiện lợi, hạnh phúc, đa dạng cho người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền.

Đơn cử như việc triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử vào đầu tháng 4 năm nay của Bệnh viện C đã đem lại nhiều lợi ích cho cả bệnh viện và bệnh nhân khám và điều trị tại đây.

Thông tin sức khỏe của người bệnh, tiền sử bệnh được lưu giữ đầy đủ, dễ dàng khi truy cập qua mạng Internet. Nhân viên y tế chỉ mất thời gian ngắn để truy cập hồ sơ bệnh án khai thác thông tin và đưa ra y lệnh điều trị kịp thời, nên có nhiều thời gian để thăm khám và tư vấn kỹ hơn cho người bệnh.

Với bệnh nhân nội trú, bệnh án điện tử cũng giúp quá trình tìm kiếm thông tin của người bệnh thuận lợi, chính xác, an toàn và nhanh chóng.

 Bệnh viện C Thái Nguyên triển khai bệnh án điện tử từ đầu tháng 4-2024.

Bệnh viện C Thái Nguyên triển khai bệnh án điện tử từ đầu tháng 4-2024.

Cùng với Bệnh viện C, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đang thực hiện các bước cần thiết để triển khai bệnh án điện tử...

Ngành Giáo dục và Đào tạo đưa vào sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến với hơn 5,8 triệu tiết dạy học trực tuyến đã thực hiện; cấp 204 chứng thư số sử dụng giải pháp ký số tập trung cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn Ngành sử dụng trong hoạt động chuyên môn.

Sở Giao thông Vận tải đang vận hành và triển khai có hiệu quả 4 phần mềm được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam chuyển giao…

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, công tác chuyển đổi số của tỉnh những năm gần đây đạt được nhiều kết quả tích cực; các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần thay đổi phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.

Công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh thông tin trên môi trường mạng được tăng cường triển khai thực hiện theo lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh. Các nhiệm vụ Đề án 06 được tích cực triển khai; có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Hằng năm, tỉnh đều thực hiện đạt và vượt 15 chỉ tiêu CĐS giai đoạn 2021-2025. CĐS đã đi vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi nhận thức của công chức, viên chức và đông đảo nhân dân.

Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tháng 7-2023, Thái Nguyên có năm thứ hai liên tiếp xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Cụ thể, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 7 về chính quyền số, thứ 15 về kinh tế số và thứ 9 về xã hội số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đánh giá Thái Nguyên là một trong những địa phương sớm triển khai nhiều nền tảng số phục vụ quản lý nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.

Mới đây nhất, theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử được đánh giá trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đến ngày 3/9/2024, tỉnh Thái Nguyên đạt 83,87/100 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố.

Đây là những kết quả tiêu biểu ghi dấu vị thế của Thái Nguyên trên “bản đồ” CĐS quốc gia.

Mặc dù vậy, theo ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Người dân tại một số khu vực nông thôn, miền núi trong tỉnh còn hạn chế về kỹ năng số; nguồn lực thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin còn hạn chế...

Chính vì vậy, để thực hiện tốt Chương trình CĐS không chỉ có chiến lược đúng đắn từ tỉnh mà các cấp, ngành, lãnh đạo các địa phương cũng cần tích cực vào cuộc để chung tay giúp toàn dân thực hiện số hóa, đem lại đời sống tốt hơn, hiện đại hơn.

TNĐT

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202410/thai-nguyen-khang-dinh-vi-the-tren-ban-do-chuyen-doi-so-quoc-gia-b630e3b/