Thái Nguyên: Nhiều quyết sách được thông qua tại Kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XIV

iều chỉnh kế hoạch vốn, thu học phí, miễn nhiệm, bãi nhiệm Ủy viên UBND tỉnh… là những quyết định đã được HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua tại Kỳ họp thứ 14 (Kỳ họp chuyên đề) được tổ chức sáng 31/8.

Sáng 31/8, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiến hành Kỳ họp thứ 14 (Kỳ họp chuyên đề).

Sáng 31/8, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiến hành Kỳ họp thứ 14 (Kỳ họp chuyên đề).

Để kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh, cần quyết định ngay giữa hai kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 31/8, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã tiến hành Kỳ họp thứ 14 (Kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền theo luật định.

Giải quyết các nội dung phát sinh

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Phạm Hoàng Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong 8 tháng đầu năm, cùng với tình hình chung của cả nước, tỉnh Thái Nguyên cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là các vấn đề xung đột chính trị, lạm phát trên thế giới; giá nguyên vật liệu và chi phí đầu vào trong sản xuất tăng cao, thị trường xuất khẩu không thuận lợi, thu ngân sách chưa đạt như kỳ vọng... gây nhiều áp lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Báo cáo số 181 ngày 15/8/2023 của UBND tỉnh, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 tương đối chậm, tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 7 chỉ đạt 32,5%, ước thực hiện tháng 8 chỉ đạt 42,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Do vậy, cần khẩn trương triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân hết sang các dự án có nhu cầu vốn và có khả năng giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2023, bảo đảm phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư công.

Đồng thời, để chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2023-2024 sắp diễn ra, cũng như tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị về nhu cầu tuyển dụng lao động làm nhân viên thực hiện nhiệm vụ nấu ăn trong các nhà trường, khắc phục tình trạng thiếu biên chế như hiện nay; cần xem xét, đánh giá chính sách hiện hành hỗ trợ kinh phí cho các nhà trường thực hiện nhiệm vụ để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp...

Để đảm bảo tiến độ, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, cả trước mắt và lâu dài, HĐND tỉnh tổ chức Kỳ họp chuyên đề để kịp thời xem xét, quyết định các nội dung bảo đảm việc triển khai thực hiện nhanh nhất và đúng quy định của pháp luật.

Tại Kỳ họp chuyên đề này, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã xem xét thông qua 15 tờ trình, dự thảo nghị quyết liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Về cơ chế, chính sách, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 24 ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên theo hướng tăng theo mức lương tối thiểu mới được điều chỉnh. Đồng thời, ban hành quy định mức chi đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh ban hành để bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh thống nhất, đồng bộ, phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công tỉnh Thái Nguyên năm 2023; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách Trung ương; thực hiện điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư khu công nghiệp; quyết định chủ trương đầu tư một số dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các địa phương Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng quyết định một số nội dung quan trọng khác như: việc điều chỉnh, bãi bỏ chủ trương đầu tư một số dự án thuộc thẩm quyền; giao biên chế công chức hành chính, quyết định biên chế sự nghiệp năm 2023 của tỉnh theo quyết định mới của Trung ương và thực hiện công tác cán bộ theo thẩm quyền…

Đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên biểu quyết thông qua nghị quyết.

Đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên biểu quyết thông qua nghị quyết.

Miễn nhiệm, bãi nhiệm Ủy viên UBND tỉnh

Cùng với việc thông qua 13 nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, Kỳ họp thứ 14 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Ủy viên UBND tỉnh đối với 2 nguyên giám đốc Sở do vi phạm trong công tác.

Cụ thể, HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng thông qua bãi nhiệm Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Lê Văn Vịnh - nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải bị miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước đó, tháng 5/2015, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Tiếp đó, ngày 18/11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3 Điều 360, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngày 27/12/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao: Ông Nguyễn Thanh Tuấn có vai trò trách nhiệm là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên. "Với vai trò là Giám đốc Sở, Nguyễn Thanh Tuấn không chỉ đạo các bộ phận chức năng tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản tại Công ty Yên Phước, nên không phát hiện được Công ty Yên Phước khai thác than không đúng với sản lượng ghi trên giấy phép" - cáo trạng nêu.

Ngày 11/4/2023, thực hiện Thông báo số 1597-TB/TU ngày 16/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 792/QĐ-UBND về việc thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bằng hình thức buộc thôi việc.

Theo Quyết định số 1719 ngày 22/06/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Văn Vịnh - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh được bổ nhiệm, giữ chức vụ Giám đốc Sở Giao thông vận tải thời gian 5 năm kể từ ngày ký Quyết định.

Tại Kỳ họp thứ 21 ngày 15/6/2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đề nghị đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Văn Vịnh (Giám đốc Sở Giao thông vận tải) do trước đó (ngày 19/4), Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án hình sự Đưa hối lộ, Nhận hối lộ liên quan đến hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh khởi tố ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Giám đốc và 5 cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải.

Thực hiện Thông báo số 1905/TB-TU ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ, ngày 30/6/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký Quyết định số 1499/QĐ-UBND về việc điều động và bổ nhiệm ông Lê Văn Vịnh - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm, kể từ ngày 01/7/2023.

Thái Nguyên Nhân

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thai-nguyen-nhieu-quyet-sach-duoc-thong-qua-tai-ky-hop-chuyen-de-cua-hdnd-tinh-khoa-xiv-360108.html