Thăm 'cụ me già'
Trời nắng chang chang, ở đâu nóng bức, chứ trước sân nhà ông Khưu Văn Cựu (sinh năm 1944, ngụ ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang) vẫn mát rượi. Bởi cây me cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã vươn mình chở che, tỏa bóng cho con người. Dưới bóng mát ấy, chúng tôi lắng nghe ông kể chuyện đời, chuyện nhà, trong cảm giác thư thái.
Không ai biết cây me được trồng lúc nào, ai trồng, hay mọc tự nhiên. Ông Cựu nhẩm tính, từ đời ông cố của ông, cây me đã xuất hiện. Hết thế hệ này đến thế hệ khác trong gia đình sinh ra, trưởng thành rồi mất đi, cây vẫn sừng sững trước cửa nhà, tính ra khoảng 300 tuổi chứ ít gì.
Người ta chặt cây để cất nhà, còn gia đình ông cất nhà phải né cây, lợp tole trên nóc thì cẩn thận bao bọc nhánh. Mà né kiểu gì cũng thế, căn nhà vẫn nằm khuất nhỏ bé sau lưng “ông cây”. Bề hoành của cây lên đến 6,5m, rễ to, rễ nhỏ nhấp nhô hàng chục mét xung quanh. Nền nhà làm đàng hoàng, ít lâu sau cũng bị rễ trồi lên, nứt nẻ nền xi-măng, nhìn dở khóc dở cười. Lá rụng, bay tứ phía, chất đống trên nóc nhà. Vài hôm, phải có người trèo lên quét dọn cho nhẹ mái tole.
“Cây có sức sống mãnh liệt, ngộ lắm. Chiến tranh loạn lạc, rồi thiên tai, rồi làm đường… hổng ảnh hưởng gì đến cây. Khoảng năm 1959-1960, chính quyền mở đường rộng ra, cây me có nguy cơ bị chặt bỏ vì nằm giữa đường. Quận trưởng thấy vậy, đề nghị đình lại nên cây “thoát chết”.
Có lần, chúng tôi đang lợp nhà, sét đánh vào giữa cây, lửa cháy đỏ trời. Mấy cây cối xung quanh chết ráo trọi, chỉ còn cây me đứng tỉnh bơ! Theo tôi biết, cây bị sét đánh trúng 4 lần. Chưa kể khí hậu, thời tiết khi này khi khác, cây nào hư thì hư, chớ cây me này vẫn mỗi ngày một to, thay vỏ liên tục. Có ai xịt thuốc dưỡng gì đâu, mà “ổng” khỏe dữ vậy!”- ông Cựu nói vui.
Cả cuộc đời ông gắn liền với cây me trước cửa nhà. Hồi ông còn nhỏ, đường sá vắng vẻ, cây cối âm u, đi học về lúc 4 giờ chiều đã thấy nỗi sợ len vào từng bước chân. Mấy hôm trời mưa, tối hù trời đất, ông chạy từ trường về, vừa chạy vừa khóc. Đám nhóc hàng xóm (giờ cũng hàng thất, bát thập nếu còn sống) cúp học, leo lên bọng cây nằm ngủ, trống trường đánh thì tuột xuống, quảy cặp về nhà như ai. Rồi tới mùa me, ông khấn thầm trong bụng cho me… đừng có trái. Hễ có trái là cha của ông kiếm dây to, câu từ nhánh này qua nhánh kia để bẻ, thậm chí leo tuốt lên trên, ông ở dưới cứ lo sợ phập phồng.
Lớn lên một chút, ông mới hiểu, gánh nặng mưu sinh đâu chừa chỗ cho nỗi sợ! Cha ông qua đời, đến lượt ông trở thành trụ cột. Cây mang đến thu nhập cho gia đình, nên ông bắt đầu mong chờ mùa thu hoạch. Một điểm thú vị ở cây me già là khả năng ra trái bất chấp… tuổi tác. Mùa mưa, cây bắt đầu chậm rãi trổ bông.
Tháng chạp vừa rón rén đến gần, trái bắt đầu chín, chờ bẻ mà thôi. Ông Cựu tự hào bảo, me này nấu canh chua ngon nhứt xứ, không chỗ nào cạnh tranh bằng. Tiếng lành đồn xa, người ta hay ghé mua, giá khoảng 25.000 đồng/kg. Cứ 2-3 ngày có thể bẻ 1 đợt. Mãn mùa, thu nhập từ tiền bán me ở mức 7-8 triệu đồng, đâu có ít!
Theo thời gian, cây ngày càng già cỗi, nhưng nhánh cây còn đủ sức vươn thật xa, chọc qua khoảng không nhà hàng xóm. Ông Cựu cho người cưa, tỉa bớt nhánh. Rồi ông tráng xi-măng một góc nhỏ phía trước cây, buộc 2 cái võng song song. Một cái cho ông, một cái cho mẹ ông - bà Dương Thị Chừng (sinh năm 1925), nằm nghỉ lưng vào mỗi buổi trưa. Chiều chiều, nếu cánh đàn ông trong nhà có nhã hứng thì nơi đây trở thành điểm nhậu lý tưởng, “mát trời ông địa”.
Bà Chừng lại có một câu chuyện riêng. Mười tám đôi mươi, bà về làm dâu, cây me đã hiện diện trước cửa nhà. Bà “ít con, có 11 đứa hà”, ông Cựu là con lớn nhất. Các con, đứa lớn giữ đứa nhỏ, bà quay quần lo nhà cửa, cơm nước, thoáng chốc đã già.
“Chắc do tôi nhìn hoài nên không thấy cây lớn thêm, không khác gì so với lúc tôi mới về. Giờ tôi lớn tuổi, chân yếu, tụi nhỏ đẩy xe lăn đi dạo vòng vòng. Cơm trưa xong, tôi ngồi hóng mát dưới gốc cây, chiều lại được đẩy vô nhà. Nhờ vậy mà khỏe hơn ru rú trong nhà” - bà Chừng chia sẻ, nụ cười móm mém, phúc hậu.
Cây me già và ông Cựu cứ thi thoảng lại được lên báo. “Bạn bè ở xa chọc tôi: “Dạo này nổi tiếng dữ hen, lên tivi đứng chỉ trỏ cây me”. Rồi dần dần, họ cũng qua đời, đâu còn ai chọc nữa… Mấy đứa em tôi có ý định bán cây me, nghe có người ra giá tiền tỷ. Nhưng cây quá lớn, muốn bứng đem đi cũng là một vấn đề. Nếu cây vẫn tồn tại nơi này, rất mong được ngành chuyên môn xác định tuổi thọ, có hướng bảo tồn, vinh danh theo giá trị cây” - ông Cựu nói thêm.
Rồi ông chỉ tôi các góc đứng chụp hình để bao quát cả cây me to từ nhiều phía. Trước khi tạm biệt ông ra về, tôi bày tỏ mong muốn, thật lâu sau này, cây vẫn trường tồn cùng thời gian, ở trước cửa nhà, như một “nhân chứng” lịch sử, gắn bó với người dân địa phương. Ông không hứa, bởi điều đó còn tùy thuộc vào những thành viên khác của gia đình. Tôi đành gửi gắm vào bài viết này một chút lưu luyến, một chút kỷ niệm với “cụ me già”- nhân vật đặc biệt trong quãng thời gian làm báo của mình.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tham-cu-me-gia--a267697.html