Thám hoa Nguyễn Sư Lộ - 'Người thầy dạy chữ ven đường'
Vốn là vùng đất được kiến tạo sau đợt biển lùi vào cuối kỷ Đệ tứ; từ một nơi lầy lội, xen kẽ cồn, bái, qua quá trình thiên nhiên bồi tụ hàng vạn năm cùng sức lao động, sáng tạo của biết bao thế hệ người dân, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) trở thành 'vùng đất học' danh giá. Một biểu tượng - nét đẹp cho sự học trên mảnh đất này là Bảng Môn đình.
Xưa kia, Bảng Môn đình ngoài chức năng hội họp, thờ thành hoàng của cộng đồng làng xã còn là nơi hội tụ của “Hội tư Văn” (làng Văn). Đây cũng là nơi trân trọng đón nhận, chúc mừng những người đỗ đạt vinh quy về làng. “Đông Sơn tứ bôn, Hoằng Hóa lưỡng bột”, lịch sử khoa cử Hán học ở xã Hoằng Lộc đã trải qua nhiều thế kỷ, ghi dấu ấn của 12 vị đỗ Tiến sĩ, được đề danh trên bảng vàng đại khoa; trong đó có 7 vị được khắc tên trên văn Bia Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội). Vị khai khoa là ông Nguyễn Nhân Lễ (1461 – 1522), đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481). Số đỗ hương cống, cử nhân khoảng gần 200 vị. Các vị đỗ sinh đồ, tú tài và các học vị tương đương khoảng 137 vị. Ngoài ra, xã Hoằng Lộc còn có một đội ngũ Nho sinh đông đảo, là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển giáo dục, văn hóa cho quê hương, đất nước. Trong những cái tên người con ưu tú của xã Hoằng Lộc có “người thầy dạy chữ ven đường” - Thám hoa Nguyễn Sư Lộ.
Thám hoa Nguyễn Sư Lộ, tên thụy là Văn Đạt, sinh năm Kỷ Mão (1519-?) tại làng Bột Thái, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung (nay là xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa), là trưởng nam của ông Nguyễn Thái Bảo và Từ Hạnh phu nhân. Được tiếng chăm học từ thuở bé, năm 1554, cụ Nguyễn Sư Lộ thi đỗ Thám hoa, làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ lại, được phong tước Đoan túc hầu. Cụ là một trong những người con ưu tú của xã Hoằng Lộc vinh dự được ghi danh trên Bia Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc tử giám. Cụ lập gia đình, sinh được 2 người con: 1 nam, 1 nữ đều có tư chất thông minh, tính tình đôn hậu. Con trai của cụ là Nguyễn Thứ, sinh năm 1572, do chăm học lại được cha dạy dỗ, kèm cặp sớm hôm nên thi đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến sĩ, được phong Hàn Lâm viện Hiệu lý Giảng Thái Thượng Tự Khanh năm 1598. Người con gái là Nguyễn Thị Liên, sau này kết duyên cùng nam sinh cùng làng – Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất tuy nghèo khó nhưng vô cùng hiếu học. Quý trọng tài năng, nhân cách của nam sinh họ Bùi, cụ Nguyễn Sư Lộ đã dốc sức nuôi dạy học hành. Chẳng bao lâu sau, người nam sinh nghèo mang theo tâm huyết của người thầy lên đường ứng thí. Năm 33 tuổi, sau khi thi đỗ Đệ nhất giáp Chế khoa xuất thân Đệ nhị danh (tương đương Bảng nhãn), Bùi Khắc Nhất nhậm chức Hàn lâm viện hiệu lý chuyên thảo các bài chế của nhà vua, hàm Cẩn sự tá lang, phụng sự triều Lê Trung hưng. 42 năm làm đại quan, trải qua “tam triều lục bộ”, những công lao, đóng góp của Bùi Khắc Nhất khi còn tại thế được triều đình Lê Trung hưng và các triều đại phong kiến sau này ghi nhớ mà ban thưởng, sắc phong. Nhân dân hai làng Bột Thái, Bột Thượng (xã Hoằng Lộc) suy tôn cụ là “nhị vị thành hoàng làng”, được thờ tự tại đền thờ của dòng họ Bùi. Có thể nói, mặc dù được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất trọng chữ nghĩa, học hành nhưng một gia đình có tới 3 người đỗ đại khoa như gia đình cụ Nguyễn Sư Lộ là điều rất đáng tự hào, được người đời sau kính nể, lưu truyền: “Phụ, tử, tế tại đăng khoa/ Nhất, nhị, tam danh tụ một nhà”. Vì không rõ ngày mất nên thế hệ cháu con tự bao đời nay trong dòng họ thường lấy ngày 15 tháng giêng âm lịch (ngày rằm tháng giêng) là ngày hợp tế cụ.
Về xã Hoằng Lộc, đi dưới bóng dừa xanh mát, trong không gian văn hóa tâm linh đặc sắc của Bảng Môn đình, giai thoại “ngồi dạy chữ ven đường” của cụ Nguyễn Sư Lộ vẫn được người dân truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chuyện kể rằng: Những ngày còn chờ đợi ra xuất chính, cụ thường ra chỗ phiến đá ven đường cạnh nhà ngồi đọc sách. Người qua, kẻ lại, ai hỏi gì ông cũng giải đáp rất phân minh. Trẻ con xúm xít lại gần, cụ bày cho chúng những câu danh ngôn trong sách và kể thêm chuyện minh họa để các cháu được hiểu rõ hơn. Cụ thường cầm cái gậy vạch xuống đất những chữ Hán và giảng giải rõ ràng ý nghĩa. Lâu dần thành lệ, phiến đá mà cụ hay ngồi chẳng khác nào bục giảng của người thầy giáo trên lớp. Mảnh đất quanh phiến đá trở thành lớp học, sáng, trưa, chiều lúc nào cũng đông người ngồi nghe giảng. Cụ ôn tồn nói: “Học trò đi học phải vào nhà học, phải theo bài bản. Nhưng trên đời có bao nhiêu người không được đi học, không có lớp. Và cũng có bao nhiêu điều phải học ngoài nhà trường. Lớp học giữa đường cũng là lớp học”. Từ đó, dân gian gọi cụ là cụ Sư Lộ (tức người thầy dạy chữ ven đường). Phiến đá cụ thường ngồi dạy học, cho đến ngày hôm nay vẫn được lưu giữ trong khuôn viên Bảng Môn đình nhằm tôn vinh đóng góp của người thầy cho sự nghiệp giáo dục của quê hương.
Nói về “người thầy dạy chữ ven đường” – cụ Nguyễn Sư Lộ, Địa chí Thanh Hóa có những lời nhận định: “Qua tiểu sử sơ lược và giai thoại còn lưu truyền trong nhân dân, Nguyễn Sư Lộ đã trở thành một gương mặt văn hóa độc đáo. Chưa tìm ra được những người, những việc tương tự trong cả nước, cho nên trường hợp này là hiếm thấy trong lịch sử”. Nét văn hóa ấy thể hiện trong truyền thống hiếu học, khoa bảng của gia đình và nhất là ở sáng kiến về một phương pháp giáo dục. Cách dạy này không thể trở thành cách dạy chính quy nhưng thật đáng nêu gương cho những ai muốn phổ biến kiến thức cho đám đông. Người học và người dạy đã tiến hành công việc giáo dục trong cuộc sống đời thường, góp phần tô điểm, nêu cao tinh thần, truyền thống hiếu học của mảnh đất xã Hoằng Lộc bằng những minh chứng sinh động, độc đáo.