Thầm lặng trong 'cuộc chiến' chống COVID-19

Từ ngày 13/8/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Để giúp người dân bình yên trong 'cuộc chiến' với đại dịch, các sở, ngành, đơn vị liên quan, các địa phương đã và đang vào cuộc một cách nghiêm túc, đầy trách nhiệm.

 Cán bộ, chiến sĩ biên phòng tại các chốt phòng, chống COVID-19 trao đổi thông tin về những diễn biến mới của dịch bệnh - Ảnh: T.L

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng tại các chốt phòng, chống COVID-19 trao đổi thông tin về những diễn biến mới của dịch bệnh - Ảnh: T.L

Giám đốc Sở Y tế Đỗ Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh thông báo: “Sau 88 ngày yên bình, Việt Nam vừa ghi nhận trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh”. Là người đứng đầu ngành y tế tỉnh, hơn ai hết, ông Đỗ Văn Hùng hiểu, phòng, chống COVID-19 là một “cuộc chiến” lâu dài, cam go và phức tạp. Khi xuất hiện trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao, không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà cả nhiều tỉnh, thành khác, trong đó có Quảng Trị. Vì vậy, việc tạo thành trì, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là hết sức cần thiết đối với người dân cả nước nói chung, Quảng Trị nói riêng.

Gần 4 tháng qua, trong khi nhiều người dân Quảng Trị đã trút được phần nào nỗi lo về COVID-19, Giám đốc Sở Y tế Đỗ Văn Hùng và các y, bác sĩ vẫn miệt mài với “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch. Không ai cho phép mình chủ quan, lơ là. Đến ngày 3/12/2020, trên địa bàn vẫn còn 5 trường hợp đang được cách ly tại cơ sở y tế, 152 trường hợp cách ly tập trung, 24 trường hợp cách ly tại nhà. Trước đó, số lượng người được cách ly, theo dõi, quản lý lên đến hơn 18.000 người. Cơ quan chuyên môn của ngành y tế đã phải lấy và trả mẫu xét nghiệm PCR cho 26.000 trường hợp. Ngoài khối lượng công việc khổng lồ ấy, những người công tác trong ngành y tế còn phải tập trung tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm tra việc tuân thủ các hướng dẫn phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh… “Sau khi nhận thông tin về diễn biến mới của COVID-19 tại Việt Nam, tôi đã ký văn bản khẩn gửi các đơn vị trong ngành, phòng y tế huyện, thị xã, thành phố, các phòng khám đa khoa tư nhân tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Nhiều nhiệm vụ đặt ra cho chúng tôi mà trước tiên là tăng cường tổ chức khai báo y tế, rà soát tất cả người đi đến hoặc trở về từ vùng có dịch trong nước và các địa điểm nguy cơ, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh”, Giám đốc Sở Y tế Đỗ Văn Hùng cho biết.

Cũng là một trong những lực lượng chưa có ngày nghỉ trong “cuộc chiến” phòng, chống COVID-19, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vẫn duy trì 117 tổ chốt chặn trên tuyến biên giới Việt - Lào để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, phòng, chống COVID-19. Tính riêng trong hai tháng 10 và 11/2020, lực lượng bộ đội biên phòng đã bắt giữ, khởi tố 3 vụ với 24 đối tượng liên quan đến đường dây đưa đón người vượt biên trái phép. Cùng với đó, các cán bộ, chiến sĩ đã phát hiện 25 vụ, 42 đối tượng vượt biên trái phép. Những con số trên chỉ mới thể hiện được một phần rất nhỏ nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Thượng tá Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: “Các đối tượng vượt biên trái phép thường sử dụng rất nhiều phương thức, thủ đoạn. Hiểu rằng nếu để tình trạng vượt biên trái phép xảy ra, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sẽ rất cao nên chúng tôi không cho phép mình chủ quan, lơ là. Sau khi nắm được thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh vừa ghi nhận có trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chúng tôi càng nêu cao hơn nữa quyết tâm xiết chặt quản lý ngay ở khu vực biên giới để ngăn ngừa dịch bệnh”.

Ngoài ngành y tế và lực lượng bộ đội biên phòng, thời gian qua, nhiều ngành, đơn vị khác trong tỉnh cũng không ngơi nghỉ với nhiệm vụ phòng, chống COVID-19. Từ nhiều tháng trước, từ sự tuyên truyền sâu rộng, cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh đã nhận thức sâu sắc, đẩy lùi COVID-19 là một cuộc chiến dài với nhiều giai đoạn thăng trầm. Có lẽ cũng vì thế mà khi tiếp nhận thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong tỉnh nhanh chóng xác định, cần ngay lập tức quyết liệt triển khai hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống COVID-19. Mục tiêu đặt ra là ngăn chặn COVID-19 xâm nhập vào Quảng Trị. Trên cơ sở này, tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của mình, các sở, ngành, đơn vị liên quan, các địa phương đều nhanh chóng lên kế hoạch và bước đầu triển khai những công việc cụ thể. Tâp trung tăng cường tổ chức khai báo y tế, rà soát, phát hiện người đi đến hoặc trở về từ vùng có dịch trong nước và các địa điểm nguy cơ; thực hiện nghiêm quy trình quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; tổ chức cách ly tại các khu vực cách ly tập trung đảm bảo đúng quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống COVID-19; tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao nhận thức…

Tại cuộc họp bàn các giải pháp phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh ghi nhận nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc duy trì, triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam khẳng định, một trong những lý do giúp Quảng Trị không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng từ ngày 13/8/2020 đến nay là nhờ sự vào cuộc của những con người đầy tâm huyết, trách nhiệm luôn căng mình giúp dân phòng, chống COVID-19. Chính sự thầm lặng cống hiến của họ đã góp phần quan trọng, nối dài những ngày tháng bình yên cho người dân Quảng Trị trong “cuộc chiến” cam go với đại dịch có quy mô toàn cầu.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153754