Thăm Nhà lưu niệm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trường Chinh

Chúng tôi có dịp đến thăm Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại xóm 7, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ngôi nhà thờ hiện tại được ông nội xây dựng cho con trai Đặng Xuân Viện (cha của ông Trường Chinh) từ năm 1902, là nơi sinh ra, lớn lên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trường Chinh. Đến nay ngôi nhà có tuổi đời 117 năm, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử vào năm 1994.

 Lãnh đạo Báo Quảng Trị và một số báo Đảng địa phương thắp hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại Nhà lưu niệm. Ảnh: Nguyễn Vinh

Lãnh đạo Báo Quảng Trị và một số báo Đảng địa phương thắp hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại Nhà lưu niệm. Ảnh: Nguyễn Vinh

Tổng Bí thư (TBT), Chủ tịch nước Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh năm 1907. Ông đồng thời cũng là một nhà văn hóa, nhà thơ có bút danh Sóng Hồng đã để lại cho đời sự nghiệp cách mạng to lớn với 60 năm tham gia cách mạng giữ các chức vụ cao nhất trong Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư lần thứ nhất năm 1941-1956, lần thứ 2 năm 1986; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội. Nhiều người đi học thời phổ thông vẫn không quên được bài thơ Là thi sĩ do ông viết năm 1942 để bày tỏ thái độ, quan niệm về sứ mệnh, chức năng của thơ ca trong giai đoạn đất nước bị kẻ thù bên ngoài thống trị “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.

Từ con đường chính làng Hành Thiện vào Nhà lưu niệm TBT khoảng hơn 300 m, con đường lát gạch nung sạch sẽ. Hành Thiện có 14 xóm, với hơn 6.000 nhân khẩu, là nơi có nhiều người học hành đỗ đạt. Thời phong kiến có tới 419 người đỗ đạt, trong đó có 7 đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài). Làng có 4 người làm Thượng thư; 4 người làm Tuần phủ; 4 người làm Tổng đốc; 23 người làm quan giúp việc triều đình; 69 người làm quan Tri phủ, Tri huyện; còn lại nhiều người đi làm thầy giáo, thầy thuốc ở khắp nơi. Trong thời kì chống Pháp, chống Mỹ đến nay có 7 tướng lĩnh quân đội, 2 anh hùng lực lượng vũ trang. Làng có 3 di tích lịch sử là chùa Keo Hành Thiện, chùa Đinh Lan và nhà lưu niệm TBT Trường Chinh.

Ông nội của TBT Trường Chinh là cụ Đặng Xuân Bảng đỗ tiến sĩ; thân phụ của ông là Đặng Xuân Viện, một nhà nho, có học vấn cao, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Từ. Hỏi thêm về gia đình TBT, cô Vũ Thị Hảo thuyết minh cho biết: Thân phụ của ông có 2 vợ, người vợ đầu sinh được 4 người con, trong đó ông Trường Chinh là con cả, người vợ thứ hai sinh được 6 người con. Gia đình TBT thuộc loại khá giả, có vai vế ở địa phương. Năm 1925, khi còn học ở bậc Thành Chung (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định), Đặng Xuân Khu đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho Phan Bội Châu, lãnh đạo cuộc bãi khóa ở Nam Định để truy điệu Phan Chu Trinh. Năm 1926, ông bị trường đuổi học. Năm 1927, Đặng Xuân Khu chuyển lên Hà Nội, tiếp tục học ở Trường Cao đẳng Thương mại và tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Năm 1929, ông tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của đảng này. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, kết án tù đày, khổ cực nhưng vẫn quyết chí, bền gan đi theo con đường cách mạng và lần lượt giữ các chức vụ cao cấp như đã nói ở trên.

Một người thuyết minh ở Nhà lưu niệm cho biết thêm: Khu Nhà lưu niệm TBT Trường Chinh rộng 530 m2 với một ngôi nhà lưu niệm rộng 5 gian. 3 gian chính giữa được bố trí làm nơi thờ Tổng Bí thư và những người thân đã quá cố, 2 gian phòng ngủ nằm ở 2 đầu của căn nhà, trong đó có 1 gian là phòng ngủ của vợ chồng ông Trường Chinh ngày mới cưới. Trong nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật, như khung cửi dệt vải, tủ sách, nhiều bức hoành phi, câu đối cổ do bạn bè của cụ tiến sĩ Đặng Xuân Bảng tặng… Nằm gần nhà lưu niệm là căn nhà ngang rộng 5 gian tường xây, mái ngói. Phía trước nhà lưu niệm TBT Trường Chinh còn có một ao cá nhỏ, xung quanh là những cây sung già, có tuổi đời hàng chục năm. Trong khu lưu niệm còn có một nhà khách để đón các đoàn khách nghỉ chân. Nhờ được bảo tồn nên căn nhà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, là nơi để giáo dục truyền thống hiếu học và cách mạng cho các thế hệ đời sau.

Hằng năm có hàng trăm đoàn khách ở trong tỉnh, trong nước đến thăm và tưởng nhớ đến TBT, Chủ tịch nước Trường Chinh- nhà văn hóa, nhà lí luận, nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam; người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời phấn đấu cho lí tưởng cao đẹp của dân tộc và thời đại.

Phước An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=143357