Tham quan ảo căn hầm Tổng hành dinh tại Hoàng thành Thăng Long

Thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19, dịp 30/4 này, Trung tâm Bảo tồn Thăng Long-Hà Nội tổ chức tua tham quan ảo tại di tích cách mạng nhà và hầm D67 và các hoạt động trực tuyến khác.

Di tích cách mạng Nhà và hầm D67 trở hành Tổng hành dinh ra nhiều quyết định quan trọng cho thắng lợi 30/4/1975

Di tích cách mạng Nhà và hầm D67 trở hành Tổng hành dinh ra nhiều quyết định quan trọng cho thắng lợi 30/4/1975

Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67 là một di tích lịch sử - cách mạng có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ năm 1968 - 1975, khu vực này trở thành Tổng Hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, phân tích đánh giá tình hình cuộc chiến và kịp thời đưa ra những sự chỉ đạo cho cách mạng miền Nam, thống nhất đất nước.

Du khách sử dụng ứng dụng phần mềm QR CODE hỗ trợ tìm hiểu thêm những giá trị tiêu biểu của di tích, những thông tin về một số hiện vật tiêu biểu về các hoạt động của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng làm việc tại Nhà D67, trong giai đoạn 1967 - 1975.

Du khách sử dung mã quét để tham quan ảo nhà và hầm D67

Du khách sử dung mã quét để tham quan ảo nhà và hầm D67

Trưng bày trực tuyến có chủ đề “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng” tại Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, giới thiệu khoảng 120 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, trưng bày giới thiệu ba chủ đề chính: Quá trình chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công; Nét đặc sắc trong chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng”; Niềm vui chiến thắng.

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội biên soạn và giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm kỷ niệm đặc biệt: “Cơ quan Tổng hành dinh (D67): Chứng tích thời đại Hồ Chí Minh”. Sách được phát hành và bán thông qua các Web sách online vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phòng họp tại di tích D67

Phòng họp tại di tích D67

Tại Tổng Hành dinh chỉ trong khoảng 75 ngày (8/1/1975 - 25/3/1975) Bộ Chính trị đã ba lần thay đổi quyết sách chiến lược đối với nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bộ Chính trị đề ra kế hoạch hai năm 1975 - 1976, nhưng nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Toàn cảnh di tích D67 hiện nay

Toàn cảnh di tích D67 hiện nay

Ngày 18/3/1975, khi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên chuẩn bị toàn thắng, tại Tổng Hành dinh, Bộ Chính trị họp mở rộng. Bộ Chính trị nhận định tình hình đang chuyển biến rất nhanh, quân đội Việt Nam Cộng hòa suy yếu rõ rệt, quyết định chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược. Đặc biệt, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Giải phóng miền Nam trong năm 1975”, không chờ đến năm 1976. Hướng chiến lược chủ yếu là Sài Gòn. Trước mắt, Trị - Thiên, Đà Nẵng là hướng chiến lược quan trọng.

Ngày 25/3/1975, khi Huế chuẩn bị được giải phóng, quân đội Việt Nam Cộng hòa rút chạy về co cụm tại Đà Nẵng, tại Tổng Hành dinh (Nhà D67) Bộ Chính trị nhanh chóng tổ chức Hội nghị mở rộng, nhận định thời cơ chiến lược đã tới, một ngày bằng 20 năm, nắm vững thời cơ, hành động nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ; Giải phóng miền Nam trước mùa mưa (tháng 5) năm 1975. Đặc biệt, để phù hợp với tình hình, lệnh đưa ra từ Tổng Hành dinh là thay đổi phương châm tác chiến: từ “táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng” (18/3/1975) sang “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (31/3/1975). Những quyết định ấy góp phần đưa đến thắng lợi 30/4/1975.

Nhà D67 được xây dựng năm 1967, là tòa nhà một tầng, diện tích 604,41m2, nằm cách nhà Con Rồng 30 m ở phía sau. Kết cấu móng, tường và mái bằng bê tông cốt thép nguyên khối mác 400. Tường ngoài dày 0,60m, tường ngăn dày 0,28m. Mái có 3 lớp. Trần dày 0,15m, ở giữa đệm cát dày 0,7- 1,15m, lớp trên dày 0,35m.
Chính giữa là phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương (rộng 76m2), bên cạnh là phòng nghỉ giải lao ( rộng 37 m2). Căn phòng nhỏ phía Đông là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( rộng 35m2), Căn phòng nhỏ phía Tây là nơi làm việc của đại tướng Văn Tiến Dũng (35m2). Từ nhà D67 có 2 cầu thang nối thẳng xuồng hầm D67 ( còn gọi là hầm Quân ủy trung ương).

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tham-quan-ao-can-ham-tong-hanh-dinh-tai-hoang-thanh-thang-long-1649927.tpo