Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được pháp luật quy định như thế nào?

* Bạn đọc Vũ Đức Tùng ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 22 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9-2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể như sau:

1. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này. Trong trường hợp này, cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý đối với các chức vụ, chức danh khác có liên quan.

2. Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này.

3. Đối với người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.

* Bạn đọc Trần Thanh Giang ở phường Phố Cò, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, hỏi: Hình thức triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 7 Thông tư số 14/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30-8-2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Cụ thể như sau:

1. Tổ chức chương trình, hành trình, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp cho người học.

2. Tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp.

3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho người học thông qua các hoạt động câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm về ngành nghề; các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giao lưu tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.

4. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp và tư vấn nghề nghiệp thông qua các tiết học, chương trình hướng nghiệp.

5. Tổ chức thông tin, tư vấn nghề nghiệp cho người học thông qua video clip, hình ảnh; qua tài liệu, ấn phẩm và các phương tiện truyền thông.

6. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn nghề nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

7. Phối hợp với tổ chức đoàn, hội trong việc triển khai các hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, học sinh.

8. Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/tham-quyen-xu-ly-ky-luat-doi-voi-nguoi-da-nghi-viec-nghi-huu-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-737369