Thẩm tra dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi)

Chiều 10.2, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 4, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tới dự.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Ảnh: Hồ Long

Trình bày Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện hành (ban hành năm 2015) đã cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 20215 và một số luật liên quan. Đồng thời, đã quy định khá cụ thể, khoa học về quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có nhiều đổi mới, cải tiến trong cách thức tổ chức, tiến hành phiên họp; có cơ chế thúc đẩy mối quan hệ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan hữu quan theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Tuy nhiên, qua rà soát, Văn phòng Quốc hội nhận thấy có khoảng 20 luật ban hành gần đây có quy định về việc thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được cập nhật, sửa đổi, bổ sung trong Quy chế năm 2015. Đồng thời, trong thực tế thi hành Quy chế năm 2015 đã phát sinh một số vấn đề mới cần sớm có quy trình, thủ tục thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai.

Theo Tờ trình, việc sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cải tiến quy trình, cách thức tổ chức phiên họp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Cũng theo Tờ trình, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát và đề xuất, kiến nghị của các cơ quan hữu quan, Văn phòng Quốc hội nhận thấy cần sửa đổi, bổ sung khoảng 49/74 điều trong Quy chế năm 2015, trong đó chủ yếu là cập nhật, sửa đổi, bổ sung một số vấn đề, quy trình, thủ tục để bảo đảm khắc phục việc thiếu quy định xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra, phù hợp với tình hình triển khai các hoạt động trong thực tế và thống nhất với các quy định tại một số luật mới ban hành.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi Quy chế nhằm góp phần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 19 – KL/TW của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng…

Ảnh: Hồ Long

Ảnh: Hồ Long

Các ý kiến cũng nhất trí cho rằng, Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Văn phòng Quốc hội chuẩn bị khá công phu, trên cơ sở khẩn trương nghiên cứu, rà soát thực tế thi hành Quy chế hiện hành, lấy ý kiến các cơ quan hữu quan; tuân thủ nghiêm túc quy trình, thủ tục được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, bố cục của dự thảo Quy chế; thời điểm ban hành Quy chế (sửa đổi) và một số nội dung cụ thể trong dự thảo Quy chế…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoành Thanh Tùng cho biết, các thành viên Ủy ban Pháp luật thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết tại Phiên họp thứ Tám tới; đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan, đồng thời, thực hiện rà soát các yêu cầu trong văn kiện của Đảng, nghị quyết có liên quan của Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Quy chế.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tham-tra-du-thao-quy-che-lam-viec-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-sua-doi-nsufuspgqr-79756