Tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể với đồng bào trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Ngày 3.4, tại TP. Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc hội thảo

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc hội thảo

Cùng dự có các thành viên Hội đồng Dân tộc; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được sửa đổi để nhằm thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển, song kinh tế tập thể trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn chưa phát triển mạnh. Quy mô hợp tác xã chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, phương thức sản xuất, vận hành, quản trị hợp tác xã còn lạc hậu, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ, kiến thức mới vào sản xuất. Số lượng các hợp tác xã được thành lập mới, số các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh về quy mô còn chưa nhiều…

Với mong muốn có những kiến nghị sát thực tiễn, Hội đồng Dân tộc tổ chức hội thảo để tham vấn, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, đại biểu các bộ, ngành và địa phương để tổng hợp, chắt lọc, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Năm tới, góp phần thay đổi mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại hội thảo

Theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được trình xin ý kiến Thường vụ Quốc hội ngày 15.3 vừa qua với 12 chương, 135 điều. Bản dự thảo này đã được Chính phủ chuẩn bị khá công phu, trên cơ sở báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật Hợp tác xã 2012, và thể chế Nghị quyết 20 của Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Qua đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành và địa phương liên quan, nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc trong luật cũ đã được chỉ ra và bổ sung, sửa đổi vào luật mới.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn 10 nhóm vấn đề lớn có nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục làm rõ, đó là các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

PGS. TS Nguyễn Phú Son - Giảng viên cao cấp Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ đóng góp ý kiến tại hội thảo

PGS. TS Nguyễn Phú Son - Giảng viên cao cấp Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ đóng góp ý kiến tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng, thuận lợi và những khó khăn, bất cập của các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã hoạt động ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, các hợp tác xã có người đại diện là người dân tộc thiểu số...

Các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung liên quan đến vai trò quản lý nhà nước và việc thể chế 8 nhóm chính sách của Nghị quyết 20 vào dự thảo Luật; các điều khoản quy định về địa vị pháp lý, chính sách đối với tổ hợp tác, những bất cập, vướng mắc trong khuôn khổ pháp luật hiện hành về phát triển kinh tế hợp tác ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, miền núi. Các vấn đề liên quan đến tài sản chung không chia, tỉ lệ phần trăm vốn góp đối với thành viên chính thức và không chính thức; các loại hình kinh tế tập thể và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn; kinh nghiệm của một số quốc gia trong xây dựng Luật Hợp tác xã để phát triển kinh tế tập thể ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, miền núi... cũng được trao đổi tại Hội thảo.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, các ý kiến đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc các hợp tác xã đang gặp phải, chỉ ra những bất cập, chưa phù hợp của Luật Hợp tác xã năm 2012 và kiến nghị sửa đổi cụ thể vào trong các điều khoản của dự thảo Luật...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc giao Tiểu ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo báo cáo góp ý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), bảo đảm rõ ràng, không trùng lặp về vai trò, quyền hạn và trách nhiệm, bảo đảm thống nhất từ trung ương đến địa phương gắn với hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới.

Tin và ảnh Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tham-van-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-tap-the-voi-dong-bao-trong-du-thao-luat-hop-tac-xa-sua-doi--i321586/