Tham vấn học đường còn nhiều 'khoảng trống'
Thời gian vừa qua, những 'sự cố' giáo dục xảy ra liên hoàn gây hoang mang dư luận. Giới chuyên gia đều nhìn nhận rằng hầu hết các vụ việc đó dù đa dạng, song có chung nguồn gốc liên quan đến các lĩnh vực tham vấn học đường.
Sau khi xảy ra nhiều sự việc lệch lạc quy chuẩn đạo đức trong nhà trường, Bộ GDĐT đã có những động thái mạnh mẽ hơn. Hiện nay, dư luận và truyền thông đang chứng kiến rất nhiều vụ việc bạo lực học đường, bạo hành các đối tượng trong trường.
Cụ thể: phụ huynh với giáo viên, các mối quan hệ trong trường học đang bị đảo lộn, có những vụ việc thanh lý xử lý nhau trong độ tuổi học sinh gây cho dư luận hết sức bức xúc và hoang mang.
Những vụ việc này có thể giảm thiểu được nếu có một đội ngũ tham vấn, giám sát ở trong trường học, kịp thời phát hiện, kịp thời hỗ trợ, đưa ra những giải pháp và có những mạng lưới kết nối để giới thiệu chuyển tuyến cho những chuyên gia chuyên sâu hơn.
Theo các số liệu khảo sát của Bộ GD-ĐT tại Hà Nội và Hải Dương cho thấy, khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một khoảng không gian riêng tư ở trong trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.
Nghiên cứu dịch tễ trên 7 tỉnh phía Bắc của cán bộ Trường Đại học Giáo dục cũng cho thấy khoảng 20% số học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu. So với các quốc gia đang phát triển thì chúng ta đang lo lắng nhiều hơn về việc dạy chữ, dạy tri thức mà chưa để ý nhiều tới sự phát triển sức khỏe tinh thần của các em.
Đối với những quốc gia phát triển khác thì công tác tham vấn học đường đã được chú ý từ lâu. Ở mỗi trường đều có các chuyên gia tâm lý tham vấn học đường. Để làm được vị trí này thì ngoài yêu cầu mặt nghề nghiệp, ở các quốc gia đó còn yêu cầu là người làm công tác tham vấn học đường có trình độ thạc sỹ trở lên thì mới có những kỹ năng để thực hiện các công việc bảo vệ cho học sinh.
Những người làm công tác tham vấn sẽ có vai trò giảm thiểu mọi rào cản, khó khăn về mặt tâm lý cũng như mặt học tập. Tối đa hóa tiềm năng của bản thân để giúp cho cá nhân đạt được những mục tiêu tốt nhất mà họ có thể đạt được.
Trong thời gian qua đã có nhiều những đơn vị trường tư, thậm chí cả Bộ GD-ĐT đã ý thức được vấn đề này. Chính những đơn vị trường tư đã đi đầu trong việc thành lập những đơn vị tư vấn học đường trong trường học. vai trò của người chuyên gia tham vấn học đường không chỉ tập trung hỗ trợ người học mà họ cũng cần hỗ trợ mạng lưới xung quanh người học nữa.
Cũng trong các chương trình mà các chuyên gia quốc tế có chia sẻ, họ cũng đề cập đến kỹ năng dạy trẻ con và dạy người lớn. Có nghĩa là cần có cả những cuộc tập huấn cho cả giáo viên về hành vi quản lý lớp học, những buổi tập huấn cho cả chính cha mẹ học sinh.
Qua đó giúp phụ huynh biết những cách thức hành xử với những em có khó khăn về mặt tâm lý hoặc bước vào giai đoạn khủng hoảng của tuổi dậy thì, hay các em có những đặc điểm tâm lý khác với những cách thức hành xử thông thường và chính phụ huynh có thể giúp đỡ được các em. Phó Vụ trưởng Bùi Văn Linh cho biết: “Hiện nay, số lượng trường THCS là 10.939 và số lượng trường THPT là 2.834.
Theo chủ trương thành lập phòng tham vấn tâm lý tại các trường, sẽ có khoảng hơn 60 nghìn giáo viên tham vấn tâm lý của gần 14 nghìn trường phổ thông cần được bồi dưỡng trong vòng 2 đến 3 năm”.
Một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn tư vấn học đường thời gian qua chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng. Cho tới hiện tại, hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý.
Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân; một số khác là giáo viên dạy Lịch sử và Địa lí hay cán bộ chuyên trách tạo các phòng ban như phòng Công tác học sinh sinh viên, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tham gia.
Mặc dù hàng năm, đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế, làm hạn chế năng lực tư vấn của đội ngũ này.
Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông nhằm hỗ trợ và can thiệp giúp đỡ khi học sinh gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập, cuộc sống.
Học sinh sẽ được tư vấn về tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên; giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Các em cũng được tư vấn để tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác. Những kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học) cũng sẽ được tổ tư vấn tham vấn.
Trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý, nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường, tổ tư vấn sẽ giới thiệu, hỗ trợ đưa đến chuyên gia điều trị.
Để khắc phục những tồn tại đó thì tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng, giúp các cá nhân giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và xây dựng các mối quan hệ tích cực - một yếu tố quan trọng của văn hóa học đường. Khi các cá nhân xây dựng được niềm tin, các giá trị, lòng tự trọng, tuân thủ các chuẩn mực… thì sẽ tạo ra môi trường lành mạnh.
Có nhiều hình thức tư vấn cho học sinh, nhà trường có thể áp dụng như: xây dựng chuyên đề về tư vấn tâm lý và bố trí thành bài giảng riêng, hoặc lồng ghép trong tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ; dạy tích hợp nội dung tư vấn tâm lý trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Nhà trường cũng có thể tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ về chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn. Công tác tham vấn, tư vấn có thể thực hiện với từng cá nhân hoặc theo nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn hoặc trực tuyến qua mạng nội bộ, email…
Trong điều kiện các trường học chưa có chỉ tiêu biên chế cho nhân viên tư vấn học đường thì việc phối hợp các lực lượng xã hội cũng là một giải pháp có thể thực hiện được.
Các trường cần phối hợp với các tổ chức ở địa phương để tiến hành công tác xã hội hóa hoạt động tư vấn học đường, huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh, các đoàn thể xã hội để đảm bảo công tác này được thực hiện tốt nhất./.