Tham vọng và rào cản

Nỗ lực bền bỉ vượt qua bất đồng của các nước Liên hiệp châu Âu (EU) đã được đền đáp bằng bản kế hoạch phục hồi sau đại dịch, với tham vọng xây dựng 'EU thế hệ mới' - một liên minh xanh, số hóa và vững mạnh. Song, nguy cơ Brexit không thỏa thuận còn treo lơ lửng, những khúc mắc nội bộ mới chỉ tạm được gác lại, đồng nghĩa rào cản vẫn còn trên hành trình thực hiện mục tiêu của 'liên minh cờ xanh'.

Nỗ lực bền bỉ vượt qua bất đồng của các nước Liên hiệp châu Âu (EU) đã được đền đáp bằng bản kế hoạch phục hồi sau đại dịch, với tham vọng xây dựng “EU thế hệ mới” - một liên minh xanh, số hóa và vững mạnh. Song, nguy cơ Brexit không thỏa thuận còn treo lơ lửng, những khúc mắc nội bộ mới chỉ tạm được gác lại, đồng nghĩa rào cản vẫn còn trên hành trình thực hiện mục tiêu của “liên minh cờ xanh”.

Năm 2020 nhiều khó khăn sắp qua, nhưng “vết sẹo” do dịch Covid-19 còn hằn sâu với các nền kinh tế EU, bất kể là quốc gia đầu tàu, hay thành viên gia nhập khối muộn hơn. Chuẩn bị lộ trình phát triển giai đoạn “hậu đại dịch” đã được giới lãnh đạo EU tính toán từ rất sớm, song phải mất nhiều tháng để phác thảo hình hài, rồi cũng mất nhiều tháng mới có thể thông qua được bản kế hoạch phục hồi kinh tế tại Hội nghị cấp cao vào tháng cuối cùng của năm. Với giá trị hơn 1.800 tỷ ơ-rô, đây là gói hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có của EU và được ví như “kế hoạch Mác-san” mới của châu Âu. Kế hoạch còn đặt ra những mục tiêu rất lớn, không chỉ về phục hồi kinh tế, mà cả trong vấn đề khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi cả năng lượng xanh, lẫn kinh tế số.

Để thống nhất được một thỏa thuận lớn như vậy, EU đã phải nỗ lực rất nhiều nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong đàm phán. Khúc mắc khiến một số thành viên phản đối bản kế hoạch là quy định gắn viện trợ tài chính với cam kết về vấn đề pháp quyền. Duy trì các giá trị chung là điều EU không thể nhượng bộ, song đây lại là những điều mà một vài thành viên không hài lòng vì cho rằng xung đột với lợi ích, chủ quyền quốc gia. Bởi thế, việc EU vượt qua bất đồng, đi đến thống nhất về lộ trình hợp tác trong giai đoạn sau đại dịch không kém phần khó khăn đã phản ánh nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy đoàn kết nội khối, hướng tới xây dựng “EU thế hệ mới”, một EU xanh, số hóa và vững mạnh, như tham vọng của chính bản kế hoạch phục hồi sau đại dịch. Việc EU đồng thuận về định hướng phát triển dài hạn của khối càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh sức hút hội nhập của “liên minh cờ xanh” phần nào hao hụt vì sự kiện nước Anh rời “mái nhà chung EU”.

Có thể thấy, nỗ lực đồng thuận mới nhất tạo nền tảng để EU tiếp tục thúc đẩy đoàn kết nội khối. Tuy nhiên, để duy trì đồng thuận trong triển khai kế hoạch phục hồi sau đại dịch, cũng là giai đoạn hậu Brexit, EU cần thêm nhiều nỗ lực và cách thức tiếp cận, giải quyết những vấn đề phát sinh trong bối cảnh mới. Thực tế tranh cãi vừa qua chung quanh kế hoạch phục hồi cho thấy, khúc mắc lớn nhất chưa thật sự được giải quyết triệt để, khi bất đồng chung quanh câu chuyện gắn hỗ trợ kinh tế với vấn đề pháp quyền mới chỉ tạm được gác lại, vì thế có thể sẽ trở lại tâm điểm tranh cãi trong tiến trình triển khai kế hoạch sắp tới.

Đại dịch Covid-19 tàn phá tất cả các nền kinh tế EU, không phân biệt quy mô lớn hay nhỏ. Song, tiến trình phục hồi tới đây sẽ không đồng đều. Nguy cơ “một EU nhiều tốc độ” đã được cảnh báo. Vì thế, mức độ hỗ trợ của gói tài chính của EU đi kèm các điều kiện tương ứng với từng nền kinh tế có thể sẽ gây những vấn đề tranh cãi mới. Trong bối cảnh ấy, mục tiêu duy trì đồng thuận, đoàn kết và chia sẻ càng trở nên cấp bách và cũng không phải là điều dễ thực hiện.

Trong bối cảnh tiến trình Brexit sắp khép lại, triển vọng đạt thỏa thuận về quan hệ thương mại EU - Anh vẫn còn rất mờ mịt. Bước vào những “giờ đàm phán cuối cùng”, trước khi chấm dứt mọi ràng buộc từ nửa đêm 31-12 tới, các nhà lãnh đạo EU và Anh đều cam kết duy trì nỗ lực thương lượng đến tận phút chót. Song, “khoảng cách rõ rệt” vẫn tồn tại trong quan điểm khác biệt giữa hai bên về những vấn đề chủ chốt, như đánh bắt cá, cạnh tranh công bằng và cơ chế xử lý tranh chấp. Nguy cơ Brexit không thỏa thuận được nhắc tới nhiều hơn, với cảnh báo về tình trạng rối loạn, rào cản có thể cản trở dòng chảy thương mại từng thông suốt trong gần nửa thế kỷ nước Anh hội nhập cùng EU.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu gần đây nêu quan điểm rằng, EU đang đứng trước cơ hội lớn để giành ngọn cờ dẫn dắt các nỗ lực vượt qua thách thức toàn cầu. Đại dịch gây khó khăn cho mọi nền kinh tế, một vài cường quốc lại tự đánh mất vai trò lãnh đạo, khi từ bỏ chủ nghĩa đa phương, rút lại việc thực thi các cam kết quốc tế. Đại dịch cũng cho thấy một thực tế hiển nhiên là, không một quốc gia, khu vực đơn lẻ nào có thể tự mình vượt qua thách thức. Với tư cách một tổ chức hội nhập khu vực được đánh giá là thành công, EU có thể nắm bắt cơ hội để thúc đẩy hợp tác, gắn kết các nỗ lực, qua đó nâng cao vị thế của “liên minh cờ xanh” trên trường quốc tế.

BẮC SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/tham-vong-va-rao-can-628755/