Thân thương những nghề xưa cũ

Bên cạnh sự năng động, vươn mình của thành phố trẻ Đồng Xoài, ở những góc nhỏ đô thị, vẫn còn những người gắn bó với nghề xưa cũ như sửa đồng hồ, áo quần, may giày dép… Bên cạnh là công việc mưu sinh, trong dòng chảy hiện đại, họ và 'nghề cũ' trở thành hình ảnh bình dị, thân thương, là nét chấm phá, tô điểm cho sự tấp nập, sôi động của phố phường.

Những góc nhỏ thân quen

“Sơn: chuyên sửa giày - dép” là bảng hiệu để mọi người nhận diện góc ngồi quen thuộc của ông Trần Đức Sơn, một thợ sửa giày, dép lâu năm trên đường Điểu Ong, TP. Đồng Xoài. Không cửa hiệu, không trưng bày, góc nhỏ của ông chỉ bày biện đơn sơ keo, chỉ, kéo và một số đôi giày, dép đang chờ sửa. Góc nhỏ mưu sinh rộng chừng 2m2, được người chủ nhà tốt bụng cho ông ngồi miễn phí trên tuyến đường tấp nập Điểu Ong.

Góc nhỏ mưu sinh gần 30 năm của ông Sơn chỉ đơn giản như thế. Nhưnghình ảnh “người sửa giày trên đường Điểu Ong” đã trở nên thân quen với người dân thành phố Đồng Xoài

2024 là năm thứ 28 ông Sơn gắn bó với công việc này. Có những thăng trầm nhưng chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ đổi nghề, vì với ông, đó không chỉ là nghề mà còn là duyên nợ, là ân tình để ông gắn bó. Những đôi giày, đôi dép mang đến ông sửa đa phần là giày cũ và chủ yếu của những người dân có mức kinh tế trung bình. Vì vậy, ông nâng niu, đặt cái tâm mình trong từng sản phẩm, để khi quay về với khách hàng, đôi giày, chiếc dép phải phát huy được tác dụng. Ông Sơn chia sẻ: Đồ cũ mà khách hàng vẫn đem đi sửa chắc chắn phải có lý do. Đó có thể là đồ kỷ niệm, đồ yêu thích hay đơn giản là duy trì lối sống tiết kiệm, tận dụng những đồ dùng cũ nhưng vẫn có thể sử dụng. Mình được khách hàng tin tưởng, thế nên nhận và phải sửa cho cẩn thận để họ ưng ý nhất. Nhiều khi khách chỉ yêu cầu may hoặc dán keo, nhưng mình là người có “nghề” nên xử lý luôn cái đế để khi khách không bị trơn, trượt ngã.

Anh Lê Thiện Giang gắn bó với công việc sửa quần áo cũ tại đường Điểu Ong đã25 năm

Cách tiệm sửa giày của ông Sơn chỉ vài bước chân là tiệm sửa quần áo cũ Thiện Giang. Anh Lê Thiện Giang cũng là một trong những người đầu tiên làm nghề sửa quần áo cũ trên đường Điểu Ong. Một góc nhỏ với chiếc máy may… vậy mà công việc này gắn bó với anh đã gần 25 năm. Từ áo quần nam nữ, trẻ em, người lớn đều được anh nhận sửa. Công việc sửa quần áo xuất hiện từ lúc ngành vải còn khan hiếm, tưởng rằng khi ngành thời trang phát triển mạnh mẽ, nghề này sẽ thoái trào, nhưng với nhu cầu cuộc sống, nghề sửa quần áo vẫn có chỗ đứng nhất định. Dù là trang phục mới, khách hàng vẫn tìm đến để chít eo, lên lai, xẻ tà, đóng nút… nhằm phù hợp vóc dáng cơ thể và nhu cầu. Vì vậy, tuy rằng nghề xưa nhưng luôn mới theo nhu cầu của xã hội. “Nghề xưa nhưng may mắn vẫn phát triển được trong xu thế hiện nay. Lượng khách nhiều, đồng thời cũng có những cửa hàng khác ra đời, tạo ra sự cạnh tranh không hề nhỏ. Là người làm nghề, tôi luôn biết cách để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, giúp mình sống được với nghề và phục vụ khách hàng tốt hơn” - anh Giang chia sẻ.

Thân thương giữa phố

Đồng Xoài đang vươn mình trở thành thành phố trẻ năng động. Bên cạnh sự sầm uất của đô thị, những nghề xưa như nét chấm phá, tô điểm thêm bức tranh cho một đô thị trẻ. Ông Sơn chia sẻ, nghề sửa giày, dép cho ông quen biết thêm nhiều khách hàng. Có những người đã trở thành “mối ruột” thân quen.

Ông Nguyễn Ngọc Anh ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài cho biết: Tôi có một đôi giày là kỷ niệm những năm tháng trong quân đội. Vì là đồ vật kỷ niệm, để lâu ngày nên bị bong keo, tôi đem đến tiệm của chú Sơn để nhờ “làm mới”. Chú làm cẩn thận nên tôi rất hài lòng. Qua nhiều lần sửa giày, dép rồi vài câu chuyện hỏi thăm qua lại, tự nhiên trở thành “mối ruột”. Nhiều lúc tôi đem giày đến sửa rồi cùng nói dăm ba câu chuyện cũng rất vui và thú vị.

Tự nhận công việc là duyên nợ, nghề sửa giày dép đã cho ông Sơn nhiều kỷ niệm. “Nhiều khi đi tiệc, khách hàng gặp mình và nói: Ô, chú/anh này sửa giày dép ở chợ Đồng Xoài nè, bản thân thấy rất vui. Những lúc như vậy, tự hiểu rằng công việc của mình ngoài mưu sinh có khi cũng trở thành một hình ảnh quen thuộc giữa phố phường” - ông Sơn chia sẻ.

Ðường Ðiểu Ong tấp nập, sầm uất nhưng là nơi mưu sinh của rất nhiều nghề cũ, thân thương như sửa quần áo, giày dép, đồng hồ... Tất cả tạo nên nét chấm phá, bình dị giữa lòng thành phố trẻ Ðồng Xoài

Ðường Ðiểu Ong tấp nập, sầm uất nhưng là nơi mưu sinh của rất nhiều nghề cũ, thân thương như sửa quần áo, giày dép, đồng hồ... Tất cả tạo nên nét chấm phá, bình dị giữa lòng thành phố trẻ Ðồng Xoài

Đường Điểu Ong tuy không dài nhưng là một trong những tuyến phố sầm uất, nơi tập trung nhiều mặt hàng kinh doanh của người dân TP. Đồng Xoài. Rất nhiều ngành nghề được người dân chọn để mưu sinh, đa phần là những nghề bình dân như: sửa đồng hồ, may quần áo, bán hàng nước, thức ăn… Và tất nhiên, mặt hàng nào cũng có “thâm niên” trên tuyến đường. Họ chọn và gắn bó với nghề như cái duyên, cái nợ. Dù với lý do gì đi nữa, những nghề xưa cũ đã trở thành nét đẹp lặng lẽ, bình dị mà thân quen giữa cuộc sống tấp nập.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/162798/than-thuong-nhung-nghe-xua-cu