Tháng 10, xong phương án giải quyết 528 vụ tố cáo lớn

'27% trong tổng số 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài phải sửa sai'. Đó là thông tin mà ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra chính phủ (TTCP) công bố tại buổi họp báo do cơ quan này tổ chức sáng 18/10 tại Hà Nội.

Theo thông tin từ TTCP, qua hơn 4 tháng triển khai rà soát và giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ, số vụ thống nhất với địa phương dự kiến chấm dứt khiếu nại hoặc chấm dứt thụ lý, giải quyết là 282 vụ việc, chiếm 58%; số vụ yêu cầu giải quyết, giải quyết lại hoặc xem xét hỗ trợ cho người dân là 131 vụ, chiếm 27%; số vụ việc thống nhất xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là 41 vụ việc, chiếm 8,4%; số vụ việc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đang phối hợp giải quyết là 32 vụ việc, chiếm 6,6%.

Ông Thanh cho biết, trong số 528 vụ việc kể trên, đa số tập trung vào lĩnh vực đất đai và chính sách xã hội, trong đó đất đai chiếm hơn 70%. Nhiều vụ việc phát sinh từ hàng thập kỷ và pháp luật điều chỉnh vấn đề này đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, hồ sơ, tài liệu của nhiều vụ đã bị thất lạc hoặc không đủ để làm căn cứ giải quyết. Vì vậy, việc giải quyết các vụ việc này còn gặp những khó khăn nhất định để đảm bảo cả tính hợp lý và tính hợp pháp; giải quyết triệt để khiếu nại tồn đọng, nhưng không làm phát sinh khiếu nại mới; vừa phải đảm bảo các nguyên tắc chung của pháp luật, vừa phải phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

“Tiến trình giải quyết 528 vụ việc này là hết sức khó khăn, vì nó nằm trong tổng số gần 2.000 vụ việc tồn đọng, phức tạp từ năm 2009, đã qua giải quyết nhưng vẫn còn tồn tại đến cuối năm 2011. Đó đều là những vụ việc phức tạp cả về pháp lý và thực tiễn như những vụ khiếu kiện về đất đai tại Văn Giang (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Nội)..., vì vậy cần phải có nhiều thời gian xem xét, giải quyết một cách kỹ càng, đúng pháp luật thì mới đảm bảo được tính bền vững của kết quả giải quyết”, ông Thanh nói.

Cũng tại cuộc họp báo, TTCP đã đưa ra các giải pháp triển khai cụ thể sau kiểm tra, rà soát. Cụ thể, đối với những vụ việc người dân tự nguyện chấm dứt khiếu nại, tố cáo, sẽ tổ chức họp liên ngành để xây dựng được một biên bản thống nhất từ các bộ, ngành trung ương với chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị tại địa phương về phương án giải quyết. Tiếp đến là tổ chức đối thoại với người dân trên tinh thần công khai, dân chủ, qua đó vận động, thuyết phục người dân thực hiện phương án giải quyết. Cuối cùng là ra thông báo chấm dứt thụ lý, xem xét, giải quyết.

Đối với các vụ việc yêu cầu địa phương giải quyết lại hoặc vận dụng chính sách xã hội hỗ trợ người dân thì chủ tịch UBND tỉnh phải triển khai xem xét, giải quyết lại vụ việc hoặc hỗ trợ người dân đảm bảo đúng phương án đã thống nhất giữa Trung ương và địa phương, đúng pháp luật, công khai và dân chủ.

Đặc biệt là trong trường hợp cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành trung ương cần thống nhất phương án giải quyết xin ý kiến của Thủ tướng, sau khi có ý kiến thì phải nghiêm túc thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.

“Quan điểm xuyên suốt trong quá trình giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài lần này là phải đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân”, ông Thanh nói và cho biết, TTCP sẽ tiếp tục tập trung lực lượng rà soát và có phương án giải quyết xong toàn bộ 528 vụ việc kể trên trước ngày 31/10/2012.

Minh Nhật/Minh Nhật

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CIFCBB/thang-10-xong-phuong-an-giai-quyet-528-vu-to-cao-lon.html