Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám lịch sử: Tinh thần và động lực phát triển Phú Thọ ngày nay

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành công là thắng lợi đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam và là mốc son chói lọi, vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta được làm chủ tương lai tiền đồ đi đến hùng cường của dân tộc. Những trang sử hào hùng Cách mạng Tháng Tám mãi là bài học quý báu cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đất Tổ về tầm nhìn, động lực và phát huy phát triển toàn diện Phú Thọ hiện nay.

Người dân thành phố Việt Trì đón ngày lễ lớn. Ảnh: Cẩm Nhung

Người dân thành phố Việt Trì đón ngày lễ lớn. Ảnh: Cẩm Nhung

Cách mạng tháng Tám 1945- Trang sử đi đến độc lập, tự do

Sau 30 năm hoạt động cách mạng trên thế giới, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước. Người ra đi từ phương Nam Tổ quốc và trở về từ phương Bắc đất nước, mảnh đất Cao Bằng giàu truyền thống cách mạng thay mặt Nhân dân cả nước đón Người. Tại Pác Pó (Cao Bằng), đầu tháng 5/1941, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng (từ ngày 10 đến 19/5/1941).

Hội nghị đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới và khẳng định: Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công.

Nghị quyết của Hội nghị nêu rõ: Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.

Hội nghị đưa ra nhiều chủ trương mới: Giải quyết vấn đề Mặt trận dân tộc theo khuôn khổ từng quốc gia dân tộc; chỉ rõ “toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa”; đặc biệt chú ý tới công tác xây dựng Đảng, trước thực trạng đội ngũ cán bộ và yêu cầu của cách mạng, xác định: Việc đào tạo cán bộ đã trở thành nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ;... Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh chính thức ra đời với bản Tuyên ngôn đề cao giải phóng dân tộc.

Ngày 6/6/1941, Hồ Chí Minh đã viết thư “Kính cáo đồng bào”, gửi đến các tầng lớp Nhân dân cả nước với tinh thần: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh sức, người có tài năng góp tài năng”. “Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đương vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của bậc anh hùng đương sục sôi trong lòng các đồng chí! Chí phấn đấu của quốc dân đương chờ đợi sự lãnh đạo của các đồng chí!”.

Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ, cổ động đồng bào; tích cực xây dựng, phát triển căn cứ địa cách mạng, phát triển lực lượng chính trị. Người đã quyết định thành lập khu giải phóng; thống nhất lực lượng vũ trang.

Tình hình quốc tế và trong nước chuyển biến nhanh chóng, có lợi cho cách mạng, trên cơ sở có chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của cách mạng, cùng với tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, dự báo chớp thời cơ của Đảng và của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 1/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.

Ngày 14 và 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định phát động toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc. Ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng; quy định Quốc kỳ, Quốc ca, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đã diễn ra và Nhân dân Việt Nam đã vùng dậy đấu tranh, cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Cách mạng giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày (từ ngày 14/8 đến 28/8), trong đó, thắng lợi ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8) có ý nghĩa quyết định.

Cùng với hào khí sục sôi của cả nước, trong tỉnh Phú Thọ đã lần lượt vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương: Hạ Hòa (2/8); Thanh Sơn (11/8); Thanh Ba (15/8); Cẩm Khê và Đoan Hùng (17/8); Phù Ninh, Tam Nông, Yên Lập (18/8); Hạc Trì, Lâm Thao (20/8); Thanh Thủy (22/8), thị xã Phú Thọ (25/8)...

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám tạo nên sức mạnh của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo, tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên cho dân tộc Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Diện mạo mới của thành phố Việt Trì - đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Đức Hoàng

Diện mạo mới của thành phố Việt Trì - đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Đức Hoàng

Hệ động lực cho phát triển

Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam không chỉ là một trong những nước đi tiên phong trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, mà còn mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm lịch sử quý báu, mãi mãi soi sáng các chặng đường cách mạng Việt Nam và là tinh thần, động lực vẻ vang, đời đời bất diệt cho sự phát triển của đất nước nói chung và vùng Đất Tổ nói riêng.

Đó là sự kiên định mục tiêu chung của Đảng và dân tộc trong hành trình đi đến khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, thịnh vượng và hùng cường. Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ luôn thấm nhuần và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xác định và kết hợp đúng đắn các nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Tiếp bước con đường của Cách mạng Tháng Tám, trước yêu cầu phát triển đất nước và trước những thời cơ và nguy cơ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ xác định công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đi đôi với giữ vững hệ giá trị truyền thống của đất và người Đất Tổ; thực hiện quy hoạch các ngành, các lĩnh vực gắn với thúc đẩy liên kết vùng, địa phương tạo ra chuỗi giá trị liên kết cho phát triển nhanh và bền vững; xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, đi đôi với xây dựng khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Công cuộc phát triển là phải có tầm nhìn, có chiến lược, có quy hoạch, có kế hoạch trên cơ sở xây dựng thực lực và nắm bắt thời cơ cho sự phát triển. Do đó, đánh giá chính xác hiện trạng toàn diện về mọi mặt của tỉnh nhà, bảo đảm đúng chủ trương, chính sách, có tính khoa học, có tính khả thi, phù hợp với điều kiện của Phú Thọ, để thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược phát triển thành công. Điều này đòi hỏi tầm vóc, trí tuệ, trình độ và khả năng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Hiện nay, nhiệm vụ trước hết phải chăm lo xây dựng hệ thống chính trị trong toàn tỉnh luôn vững mạnh về mọi mặt, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, tiên phong trong “lời nói đi đôi với việc làm”, “dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám vượt qua khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám hào hùng, bài học giữ nguyên giá trị cho ngày hôm nay là phải xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên trung với lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có trí tuệ sáng suốt; thường xuyên vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân; có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, cống hiến và đóng góp thật sự cho sự phát triển không ngừng của tỉnh nhà, vì hạnh phúc của nhân dân, cùng nhiều bài học khác.

Từ trong kháng chiến đến khi giành độc lập đã hun đúc nên những cán bộ, đảng viên có lập trường cách mạng, giữ vững khí tiết và bản lĩnh, có tinh thần phụng sự và phục vụ thì trong thời đoạn ngày nay càng phải cần huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ và kế cận của tỉnh nhà nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính; đấu tranh phòng, chống mọi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống kết hợp với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn ngừa mọi sự chống phá của các thế lực thù địch.

Động lực quan trọng hiện nay về phát huy tinh thần và lực lượng của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ cho mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình xây dựng và phát triển của vùng Đất Tổ đã ghi nhận sự ủng hộ nhân lực, vật lực, tài lực của Nhân dân, sự đóng góp quý báu về mọi mặt trong mỗi giai đoạn khó khăn để có thuận lợi cho đầu tư, xây dựng và thiết chế được ngày càng đầy đủ, hoàn thiện của hôm nay.

Qua đây, tiếp tục lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp vả bản sắc của vùng Đất Tổ, phát huy ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám “tự ta giải phóng cho ta”, Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh cần tiếp tục phát động toàn dân vươn lên “tự ta thoát nghèo”, toàn dân hành động để tiến bộ mỗi ngày, văn minh mỗi ngày, giàu mạnh từng ngày.

Ngọn nguồn của mọi thành công là ở sức mạnh đoàn kết, là ý chí “chung lưng đấu cật”, đều là con Lạc cháu Hồng, đều là con cháu Rồng tiên. Bài học “khắc cốt, ghi tâm” về phát động sức mạnh toàn dân tộc từ trong Cách mạng Tháng Tám cho đến biểu hiện của ngày nay cần luôn luôn phải được nhắc nhớ và phát huy cao độ. Đó là nêu cao tinh thần dân chủ ở cơ sở, dân chủ trong đời sống xã hội; giữ vững mối quan hệ mật thiết giữa các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh; lắng nghe và giải quyết kịp thời những góp ý, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Thực hiện tốt phương châm của Đảng là: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Chú trọng và thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo các cấp học trong tỉnh, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm cho sự phát triển bền vững. Lấy sức mạnh của đội quân chủ lực là lực lượng trong độ tuổi lao động làm nòng cốt để quan tâm, khích lệ, động viên và tạo mọi điều kiện cho họ lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất, góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương; thực hiện tốt phương châm “thêm bạn bớt thù”, “cầu đồng, tồn dị” nhằm khơi gợi và phát huy những ưu điểm của mỗi người, mỗi nhà, mỗi giới, mỗi tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Phú Thọ vì mục tiêu chung của sự phát triển nhanh và bền vững, không bỏ lại ai ở phía sau, xóa đói giảm nghèo bền vững. Thúc đẩy mỗi người dân trong tỉnh luôn có ý chí vươn lên, đồng hành cùng họ tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ làm việc, thu nhập và phát triển trên mảnh đất quê hương.

TS Lê Trung Kiên

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thang-loi-cach-mang-thang-tam-lich-su-tinh-than-va-dong-luc-phat-trien-phu-tho-ngay-nay-217339.htm