Thắng lợi trong mùa hạn, mặn

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, tỉnh Long An chủ động được nguồn nước trong mùa hạn, mặn 2020-2021. Qua đó, diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do hạn, mặn giảm và nông dân thắng lợi lớn trong vụ Đông Xuân (ĐX) 2020-2021.

Tỉnh đưa vào vận hành 2 trạm bơm điện tại cống Cây Gáo và cống Rạch Đào để kịp thời bơm tích nước bổ sung cho hệ thống Nhật Tảo - Tân Trụ (ảnh tư liệu)

Tỉnh đưa vào vận hành 2 trạm bơm điện tại cống Cây Gáo và cống Rạch Đào để kịp thời bơm tích nước bổ sung cho hệ thống Nhật Tảo - Tân Trụ (ảnh tư liệu)

Chủ động, quyết liệt

Mùa hạn, mặn năm 2019 - 2020, diện tích bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh là 2.746ha, tương đương trên 55,4 tỉ đồng. Rút kinh nghiệm từ mùa hạn, mặn năm 2019 - 2020; đồng thời, không để nước mặn xâm nhập vào khu vực nội đồng làm nhiễm mặn nguồn nước, tỉnh xác định phương châm, hàng năm phải sống chung với hạn, mặn và có kế hoạch hành động phòng, chống, ứng phó với hạn, mặn cụ thể, thiết thực, tránh tình trạng cứ đến mùa hạn, mặn là lúng túng, không chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo đó, tỉnh rà soát, ưu tiên đầu tư các công trình phòng, chống hạn, mặn phải được triển khai hoàn thành trước khi đến mùa khô hàng năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Đầu tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ có cuộc họp triển khai công tác phòng, chống hạn, mặn. Ngay sau đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các sở, ngành, đơn vị và các địa phương tiến hành kiểm tra, khảo sát nắm bắt hoạt động của các công trình thủy lợi, thông tin dự báo của các cơ quan khí tượng - thủy văn từ Trung ương đến tỉnh. Qua đó, Sở kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành ứng phó về việc sản xuất lúa ĐX 2020 - 2021; triển khai, thực hiện các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh; triển khai khẩn trương công tác phối hợp đắp đập ngăn mặn, trữ nước ngọt bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh; công bố tình huống thiên tai do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh;…

Chủ động đóng các cống ngăn mặn trên tuyến Quốc lộ 62

Chủ động đóng các cống ngăn mặn trên tuyến Quốc lộ 62

Cùng với thực hiện các kế hoạch, văn bản phòng, chống hạn, mặn của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT triển khai công tác chỉ đạo, điều hành vận hành đóng các cống ngăn mặn, các nắp cống trên Quốc lộ 62; đắp 5 đập tạm ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn chỉnh để đưa vào sử dụng, vận hành 2 trạm bơm điện tại cống Cây Gáo, Rạch Đào để kịp thời bơm tích nước bổ sung cho hệ thống Nhật Tảo - Tân Trụ khi độ mặn ở mức cho phép, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất cho huyện Thủ Thừa, Tân Trụ.

Đồng thời, Sở NN&PTNT phối hợp Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP, Trung tâm Quản lý vận hành Âu tàu Rạch Chanh thống nhất phương án vận hành Âu tàu Rạch Chanh bảo đảm công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở thường xuyên tổ chức theo dõi, đo đạc kiểm tra chặt chẽ tình hình chất lượng nước trên các tuyến sông, kênh, rạch; thông báo kết quả 2 lần/tuần đến các cấp, các ngành có liên quan để thông tin đến người dân chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đồng thời đăng tải các nội dung phòng, chống hạn, mặn trên website phòng, chống thiên tai của tỉnh,…”.

Ngành Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra độ mặn ở các tuyến sông (ảnh tư liệu)

Ngành Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra độ mặn ở các tuyến sông (ảnh tư liệu)

Thắng lợi “kép”

Theo điều tra, dự kiến mùa khô năm 2020 - 2021, tỉnh có khoảng 3.000ha lúa, 4.000ha chanh thiếu nước tưới. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, mùa hạn, mặn năm 2020-2021, diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng giảm còn 165ha, tương đương gần 1,1 tỉ đồng. Nguyên nhân thiệt hại do các hộ dân tự ý gieo sạ ngoài lịch thời vụ, gieo sạ trong thời gian nguồn nước ngọt trong kênh, rạch thiếu hụt.

Ông Nguyễn Văn Đa, ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, chia sẻ: “Mùa khô năm 2019 - 2020, diện tích đất trồng lúa của gia đình gần 3ha bị mất trắng. Còn mùa khô năm 2020 - 2021, do lượng nước ở các con kênh thấp, độ mặn trên các kênh cao; đồng thời, nguồn đất cũng ảnh hưởng hạn, mặn năm 2019 - 2020 nên năng suất lúa giảm so với nhiều địa phương khác. Bình quân mỗi hécta, gia đình tôi chỉ thu lợi nhuận từ 10 - 12 triệu đồng”.

Ngoài giảm diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng hạn, mặn, vụ ĐX 2020 - 2021, nhiều nông dân còn trúng mùa, trúng giá. Được biết, vụ ĐX 2020 - 2021, toàn tỉnh có trên 226.000ha lúa, với năng suất khô ước đạt 6,9 tấn/ha, lợi nhuận bình quân trên 20 triệu đồng/ha, thậm chí từ 30-38 triệu đồng/ha.

Ông Bùi Văn Hoàng, ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, bộc bạch: “Vụ ĐX 2020 - 2021, tôi thu hoạch 1,3ha lúa, năng suất 7,7 tấn/ha. Nhờ gieo sạ đúng theo lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nên “né” được hạn, mặn. Lúa bán được giá cao, lợi nhuận 38 triệu đồng/ha”.

Có thể thấy, với những kết quả đã đạt, tỉnh thực sự đang có nhiều giải pháp sống chung với hạn, mặn, người dân có thể chủ động nguồn nước sản xuất và không để thiệt hại tiếp tục xảy ra mỗi khi đến mùa hạn, mặn.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm: “Về lâu dài, tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh thực hiện một số dự án nhằm cơ bản đáp ứng nhu cầu vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, quản lý hiệu quả nguồn nước, chia sẻ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận trong vùng. Cụ thể: Sớm triển khai đầu tư Dự án Kết nối và hoàn thiện các hệ thống thủy lợi Bảo Định, Gò Công, Tân Trụ để tăng cường khả năng trữ nước, chuyển nước nội vùng và chuyển nước liên vùng giữa các hệ thống để chủ động kiểm soát, điều tiết nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, đầu tư hoàn thiện cống tại các kênh, rạch nằm cắt ngang Quốc lộ 62 (Bến Kè, Bún Bà Của, Kênh 1, Kênh 2, Rạch Cái Tôm,...) nhằm kiểm soát độ mặn từ sông Vàm Cỏ Tây xâm nhập qua kênh Dương Văn Dương vào vùng Dự án Bắc Đông thuộc tỉnh Long An và Tiền Giang; đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi, các hồ dự trữ nước ngọt trên địa bàn tỉnh trước nguy cơ không có mùa lũ và độ mặn dâng cao để có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh,..."./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thang-loi-trong-mua-han-man-a117773.html