Tháng Ramadan nhiều lo âu

Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) vừa tiến hành họp trực tuyến, để thảo luận về diễn biến đáng ngại gần đây ở Libya, quốc gia đang chìm trong cuộc chiến 'huynh đệ tương tàn'. Chiến sự vẫn gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan phức tạp càng dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng an ninh và nhân đạo nghiêm trọng ở đất nước Bắc Phi này.

Bất chấp việc Tổng Thư ký LHQ và cộng đồng quốc tế liên tiếp kêu gọi ngừng bắn, tình hình an ninh và nhân đạo tại Libya vẫn diễn biến phức tạp. Báo cáo của Phái bộ hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL) cho thấy, trong quý I vừa qua có hơn 100 dân thường chết và bị thương trong các cuộc xung đột ở Libya, tăng 45% so cùng kỳ năm ngoái. Đất nước vốn bị chia rẽ do sự tồn tại song song của hai chính quyền, càng rối ren hơn sau khi Tướng K.Haftar, chỉ huy lực lượng vũ trang ở miền đông có tên Quân đội quốc gia Libya (LNA), tuyên bố hủy thỏa thuận chính trị với Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA), được LHQ bảo trợ trong vai trò điều hành đất nước. Thỏa thuận quy định tuân thủ ngừng bắn nhằm tạo điều kiện thành lập một chính phủ thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ chính trị, kể từ sau làn sóng nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi năm 2011.

Một trong những nguyên nhân khiến cuộc chiến ở Libya kéo dài là tình trạng chia rẽ phe phái sâu sắc, cộng thêm sự can thiệp của bên ngoài. GNA hoạt động ở thủ đô Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar cùng Italy ủng hộ. Trong khi đó, Tướng K.Haftar đứng đầu LNA được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) hỗ trợ, cùng sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga, Pháp. Sau nhiều tháng mở chiến dịch, lực lượng LNA đã kiểm soát nhiều khu vực, trong khi GNA chỉ kiểm soát một phần nhỏ lãnh thổ đất nước. Căng thẳng leo thang sau khi Tướng K.Haftar tuyên bố điều hành đất nước. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, gồm cả những nước được cho là ủng hộ LNA, đã phản ứng một cách thận trọng trước tuyên bố đơn phương giành quyền lực này và cho rằng, mọi vấn đề ở Libya cần phải được giải quyết thông qua đối thoại chính trị.

Hoạt động nhập vũ khí từ nước ngoài vào Libya được cho là một trong những nguyên nhân thổi bùng các đợt giao tranh mới tại quốc gia Bắc Phi. Tại Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya ở Đức hồi tháng 1, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với các bên xung đột ở Libya. Song thực tế, vũ khí bất hợp pháp vẫn được bí mật tuồn vào nước này. Nhằm ngăn chặn nguồn vũ khí “tiếp lửa” cho giao tranh ở Libya, Liên hiệp châu Âu (EU) tuyên bố sẵn sàng triển khai lực lượng hải quân giám sát việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Các nước EU nhất trí trang bị tàu chiến, máy bay và vệ tinh cho các chiến dịch ngăn chặn dòng vũ khí vào quốc gia bên kia bờ Địa Trung Hải.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 dễ là một tác nhân khiến tình hình nhân đạo trở nên tồi tệ hơn, các nước thành viên HĐBA nhấn mạnh quan ngại về nguy cơ từ các vụ tiến công dân thường và cơ sở dân sự, trong đó có hệ thống hạ tầng y tế yếu kém ở Libya. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên liên quan ở Libya chấm dứt chiến sự, tuân thủ đình chiến nhân đạo, bảo đảm quyền tiếp cận viện trợ đầy đủ và hướng tới một giải pháp chính trị trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của Libya và do người dân nước này dẫn dắt, làm chủ. Việc các bên sớm trở lại đàm phán qua các kênh chính trị, quân sự và kinh tế, trên cơ sở Nghị quyết 2510 của HĐBA mới là giải pháp toàn diện và lâu dài.

Người dân Libya đang trải qua tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, với nhiều lo âu, bởi xung đột, đại dịch. Gần 10 năm chìm trong chia rẽ và bạo lực, kể từ làn sóng “Mùa xuân A-rập” năm 2011, sự can thiệp của bên ngoài cùng các hành động vi phạm lệnh cấm vận vũ khí lại “châm ngòi” bạo lực ở Libya. Ngừng bắn và nối lại đàm phán vẫn là lối thoát duy nhất, để mở cánh cửa hòa bình.

HÀ ĐAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44389502-thang-ramadan-nhieu-lo-au.html