Thẳng tay trị kẻ phá rừng
Vào sáng sớm, một đoàn lâm tặc hơn 40 người đi trên hàng chục xe công nông, rầm rộ tiến vào rừng. Tiếng cưa máy vang lên xoèn xoẹt, cây đổ ngổn ngang; lâm tặc chỉ lấy phần thân, còn gốc, ngọn thì bỏ lại hiện trường.
Đó là cảnh xảy ra ngày 10-2, tại xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, ngang nhiên phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật.
Cũng những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, Công an huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã bắt quả tang một vụ phá rừng gỗ pơ-mu trái phép tại khu vực núi Voi Kéo, thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý. Đây không phải lần đầu lâm tặc phá nát rừng gỗ pơ-mu quý hiếm nhưng lực lượng bảo vệ rừng của công ty này và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông không phát hiện.
Hàng chục chiếc xe công nông chạy rầm rập, tiếng cưa máy vang động cả núi rừng mà không nghe, không thấy, không biết thì không còn gì để nói về những người mặc sắc phục bảo vệ rừng.
Ở không ít đô thị hiện nay, nhiều người khoe khoang nhà cao cửa rộng, cơ ngơi hoành tráng với ngập tràn nội thất đủ loại gỗ quý. Họ khoe phú quý với những bộ bàn ghế chạm trổ cầu kỳ, những chiếc trường kỷ "có một không hai", những hành lang dài trưng trổ gỗ quý, những cầu thang, sàn lót gỗ. Khắp nơi là gỗ. Cảm giác như gỗ từ hàng trăm cánh rừng, ở nhiều vùng trong tỉnh, trong nước về tụ hội trong những biệt phủ, những cơ ngơi của gia chủ. Nhưng người có học thức, có tự trọng, có thấu cảm với tự nhiên sẽ bất chợt rùng mình khi nghĩ đến những cổ thụ trăm năm bị đốn hạ ngang thân, bị xẻ cưa đau đớn, thành những vật phẩm để kẻ trọc phú vô nhân hợm hĩnh khoe giàu.
Cha ông ta từng nói "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt" để cảnh báo những kẻ không biết hàm ơn mà còn nhẫn tâm đối xử tệ bạc với rừng. Những cánh rừng mất đi là báo hiệu bao tai ương chực chờ giáng xuống đời sống dân lành. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm, từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283 ha, trung bình mỗi năm nước ta mất đi 2.430 ha rừng. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém... Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước...
Để bảo vệ rừng, cần giải pháp mạnh và nghiêm minh hơn nữa. Bởi đã có rất nhiều phiên tòa xử lâm tặc ở một số địa phương trong thời gian qua nhưng vẫn không làm cho những kẻ rắp tâm phá rừng chùn tay, chùn bước. Rừng vẫn tiếp tục chảy máu dù Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng. Lâm tặc nhiều nơi vẫn lộng hành, tước đoạt dần những màu xanh trên đất nước ta. Với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, nếu có hành vi tiếp tay lâm tặc phá rừng thì phải xử lý nghiêm bằng luật pháp mới có tác dụng răn đe. Còn chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính như cảnh cáo, thuyên chuyển thì chẳng khác nào dung dưỡng cho họ tiếp tục sai phạm.
Đừng để mỗi năm vào mùa mưa lũ, xảy ra những thiệt hại về người lại dậy lên những tiếng kêu về nạn phá rừng, rồi chìm vào im lặng, lãng quên...
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thang-tay-tri-ke-pha-rung-20210222224129016.htm