Thẳng thắn, không ngại va chạm, đi đến cùng vấn đề

Đánh giá về Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH TRẦN KHÁNH THU (Thái Bình) nêu rõ, kỳ họp đã tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Tất cả các ý kiến thảo luận, tranh luận đều rất thẳng thắn, không ngại va chạm, sẵn sàng đi đến cùng vấn đề. Việc tổ chức thành công Kỳ họp thứ Ba một lần nữa khẳng định sự chủ động, thích ứng nhanh của Quốc hội thông qua việc tổ chức họp trực tiếp trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát.

Trách nhiệm, hiệu quả

- Sau 19 ngày làm việc, Kỳ họp thứ Ba, đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Bà có thể chia sẻ đôi điều về kết quả kỳ họp lần này?

- Có thể thấy, đối mặt với dịch Covid-19 rất phức tạp, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, các kỳ họp Quốc hội phải thích ứng linh hoạt, chủ động bằng cách họp trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Lần này, Kỳ họp thứ Ba được tổ chức tập trung ngay tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, quy tụ trí tuệ của gần 500 ĐBQH đại diện cho cử tri trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Cảm xúc của đại biểu chúng tôi sau thời gian họp trực tuyến kết hợp trực tiếp rất hào hứng, phấn khởi. Không khí nghị trường rất sôi nổi. Quốc hội linh hoạt trong điều chỉnh, bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp; quyết định tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại hội trường để thông tin rộng rãi hơn, bảo đảm các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, dân chủ, minh bạch, gần gũi với cử tri và Nhân dân.

- Một trong những dự án luật nhận được sự quan tâm của cử tri và Nhân dân, đó là dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bà đánh giá thế nào về chất lượng của dự án luật?

- Là một trong 6 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có tác động quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Tôi mong muốn, dự án Luật sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, giải quyết các vấn đề thực tế phát sinh chưa có cơ sở pháp lý quy định đầy đủ, chưa thể chế kịp thời Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.7.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Trong lần đầu tiên trình Quốc hội cho ý kiến, dự án Luật đã được ban soạn thảo chuẩn bị công phu, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thể hiện được mong muốn: Lấy người bệnh làm trung tâm, đặt yêu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong giai đoạn hiện nay là trước hết, trên hết. Dự án Luật cũng bao quát được các vấn đề để ngành y tế thực hiện sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các ý kiến mà các đại biểu đã đề xuất góp ý bổ sung những quy định mới khắc phục những khó khăn phát sinh trong thực tiễn mà hoạt động y tế, hệ thống y tế nước nhà gặp phải trong thời gian qua.

- Từ thực tế công tác tại ngành y, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những vướng mắc trong dự án Luật này?

- Đơn cử, dự thảo Luật đang quy định có 9 chức danh phải có giấy phép hành nghề, trong đó có 3 chức danh mới. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể cho từng chức danh. Để bảo đảm khả thi của chính sách, cơ quan soạn thảo nên quy định rõ vai trò, phạm vi hành nghề của các chức danh này, đặc biệt là phạm vi hoạt động chuyên môn của các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng, cấp cứu ngoại viện trong hoạt động khám, chữa bệnh, nhằm giải quyết được những vướng mắc hiện tại trong quá trình cấp giấy phép hành nghề.

Hay tại Khoản 8, Điều 38 của dự án Luật đang quy định "Người hành nghề có trách nhiệm đóng phí duy trì giấy phép hành nghề" là không phù hợp, vì bản thân người được cấp giấy phép hành nghề đã đóng các phí, lệ phí khi cấp mới, gia hạn giấy phép hành nghề và các khoản phí, lệ phí khi tham gia các chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức thực hành nghề hàng năm khi có giấy phép hành nghề.

Về quy định đến chuyên môn trong khám, chữa bệnh, dự thảo Luật quy định điều trị nội trú tại Điều 57: "Điều trị nội trú một ngày được tính từ trên 4 giờ trở lên, bắt đầu từ lúc nửa đêm và kết thúc sau 24 giờ đó... và điều trị nội trú ban ngày là từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối, không ở lại qua đêm trong bệnh viện...". Quy định này không phù hợp, bởi có những trường hợp người bệnh cấp cứu vào bệnh viện phải lập hồ sơ bệnh án ngay để chỉ định thuốc, thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật cấp cứu người bệnh, nhưng khi chưa đủ 4 giờ thì bệnh nhân đã tử vong hoặc nguy cơ tử vong mà gia đình xin về. Như vậy, hồ sơ bệnh án đấy vẫn xác định là hồ sơ bệnh án nội trú.

Hay tại Điều 67 của dự thảo Luật, cũng cần làm rõ các nội dung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh nội trú là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả giường bệnh điều trị nội trú và cả giường bệnh điều trị nội trú ban ngày (?) Vì quy định này liên quan đến tỷ lệ thanh toán giường bệnh khi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, các chỉ số này còn ảnh hưởng đến tổng mức thanh toán của năm kế tiếp đối với cơ sở khám chữa bệnh khi Luật Bảo hiểm y tế chưa thể sửa đổi trong thời gian tới.

Lựa chọn vấn đề chất vấn đúng và trúng

- Chất vấn và trả lời chất vấn được đánh giá là một trong những điểm nhấn của Kỳ họp thứ Ba, được cử tri và Nhân dân quan tâm theo dõi sát sao..., thưa bà?

- Có thể thấy, các vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn lần này rất đúng và trúng, mang tính thời sự, cấp bách, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề đã kéo dài nhiều năm, đòi hỏi những giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược lâu dài. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, phản ánh đúng nội dung mà cử tri, Nhân dân đang băn khoăn, trăn trở.

Chịu trách nhiệm trả lời chính, 3 Bộ trưởng cùng Thống đốc Ngân hàng và các Phó Thủ tướng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện bản lĩnh, nắm chắc các vấn đề, lĩnh vực; trả lời thẳng thắn, không né tránh các vấn đề phức tạp; các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng các ngành liên quan đã tham gia giải trình báo cáo nghiêm túc giúp làm rõ nhiều vấn đề đang tồn tại ngay tại phiên chất vấn.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, yêu cầu Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành quyết liệt thực hiện những cam kết cụ thể, xác định thời hạn hoàn thành để tạo chuyển biến đối với từng lĩnh vực được chất vấn, đúng như tinh thần Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã quán triệt đó là giám sát phải đi đến tận cùng vấn đề. Đây còn là cơ sở để Quốc hội giám sát lại việc thực hiện.

- Sự điều hành của Chủ tọa góp phần quan trọng làm nên thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thưa bà?

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điều hành phiên chất vấn lần này đúng như một “nhạc trưởng”, rất khoa học, linh hoạt, bảo đảm đúng thời gian, giữ được nhịp độ và sự hài hòa giữa các nhóm vấn đề; đặc biệt chủ tọa rất linh hoạt trong các tình huống tranh luận, làm không khí nghị trường sôi nổi, thẳng thắn. Nếu thấy Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chưa đúng trọng tâm, chưa rõ ý, Chủ tịch Quốc hội thường xuyên có định hướng để các "tư lệnh ngành" đi thẳng vào câu hỏi, không vòng vo, né tránh, không trả lời thiếu ý đại biểu hỏi. Trong quá trình điều hành, Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra những gợi mở và "bài toán" yêu cầu các Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp xử lý một cách căn cơ trong thời gian tới. Như cách nói của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, là “được” trả lời chất vấn.

- Xin cảm ơn bà!

Hoàng Ngọc thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/thang-than-khong-ngai-va-cham-di-den-cung-van-de-i292356/