Thăng trầm nghề muối Tân Thuận

Nắng nóng kéo dài thuận lợi cho sản xuất muối nhưng chưa thể vực dậy nghề truyền thống địa phương Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam…

Thăng trầm nghề muối Tân Thuận

Thu hoạch muối ở Tân Thuận.

Thu hoạch muối ở Tân Thuận.

Mùa vụ sản xuất muối đầu năm nay, trùng vào thời điểm dịch Covid- 19, không tụ tập đông người, trong khi nghề muối ngoài đồng làm việc theo nhóm, đã ảnh hưởng trực tiếp đến nghề. Chính vì vậy, người dân Tân Thuận chỉ đưa vào sản xuất hơn 30 ha trong tổng diện tích 63 ha loại đất này. Vụ muối năm nay thời tiết thuận lợi, nắng nóng kéo dài, gió mạnh làm tăng độ mặn, thời gian kết tinh muối nhanh, sản lượng muối toàn xã ước đạt gần 4.000 tấn, tăng khá cao so cùng kỳ năm trước; nhưng giá muối thu mua tại ruộng 800 - 900 đồng/kg, so với năm trước giá 1.200 đồng/kg, thu nhập của gần 200 lao động ở địa phương cũng giảm. Cái nghề luẩn quẩn được mùa mất giá, khiến diêm dân cứ lận đận trong mấy năm qua, diện tích muối ở địa phương này cũng giảm dần…

Một cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tân Thuận cho hay, thời gian trước có lúc địa phương chỉ đưa vào sản xuất 40 ha, chiếm chưa tới một nửa diện tích đất làm muối toàn xã khi ấy (92 ha). Ngay cả HTX Muối Thanh Phong chỉ sản xuất khoảng 10 ha, còn lại người dân tự làm. Nguyên nhân do nhiều năm liền giá muối thấp, cuộc sống diêm dân, xã viên hợp tác xã khó khăn, nên nhiều diện tích bị bỏ hoang; trong khi người dân cũng chưa có vốn đầu tư nuôi trồng thủy sản… Với 40 ha muối sản xuất lúc ấy được cải tạo kỹ, năng suất đạt khá 112 tấn/ha, đưa tổng sản lượng lên 4.500 tấn, tổng doanh thu sản phẩm được 5,4 tỷ đồng nhờ giá muối tăng cao 1.200 đồng/kg. Tính ra trong 6 tháng sản xuất, bình quân người làm muối thu 5 triệu đồng/người/tháng; thấp hơn một số ngành nghề khác. Bởi vậy, diêm dân không mặn mà với nghề làm muối, không ít người chuyển sang làm công nhật ở các trang trại sản xuất, chế biến thanh long trong vùng được chủ bao ăn uống, trả 6 – 7 triệu đồng/người/ tháng. Đây cũng là thách thức với nghề làm muối lâu nay ở địa phương… Các thành viên HTX Muối Thanh Phong cũng chia thành 5 tổ (hoặc nhóm) để sản xuất, giảm một số khâu trung gian, tăng lợi nhuận. Các tổ này đầu tư vốn cải tạo ruộng muối, bờ bao, nạo vét kênh mương dẫn nước biển vào mùa vụ sản xuất. Trong khi đó, ông Mai Anh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận cho biết, xã phối hợp các đoàn thể địa phương như nông dân, phụ nữ tìm nguồn vốn vay hỗ trợ diêm dân đầu tư nâng cấp đồng muối, giảm chi phí vận chuyển, tăng thu nhập vào mùa vụ sản xuất… Bên cạnh việc mời các ngành chức năng tỉnh, huyện giới thiệu cho diêm dân áp dụng mô hình muối sạch trải bạt đang có giá trên thị trường, thay dần cách làm thủ công lâu nay sản xuất muối trên đất nền. Cùng đó liên kết với các cơ sở chế biến muối trong, ngoài tỉnh hỗ trợ diêm dân sản xuất muối sạch theo chuỗi, gắn tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị hạt muối, từng bước tăng thu nhập cho diêm dân ổn định cuộc sống, khôi phục nghề truyền thống ở địa phương có bờ biển dài.

Hiện tại, trong mùa vụ sản xuất năm nay gần 23 ha muối của HTX Muối Thanh Phong đã hoàn toàn áp dụng mô hình muối sạch trải bạt; HTX này cũng dự kiến nuôi thả tôm thẻ chân trắng trên ruộng muối trải bạt vào mùa mưa, sẽ đem lại lợi nhuận trên diện tích sản xuất. Các hộ diêm dân khác ở địa phương cũng vậy, họ đang hướng đến mô hình sản xuất trên để không quá lệ thuộc vào hạt muối “đỏng đảnh” về giá vào mỗi mùa vụ.

T. Khoa

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/thang-tram-nghe-muoi-tan-thuan-127351.html