Thành công từ sự đoàn kết, sáng tạo

Đội ARES của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc vừa xuất sắc vượt qua hơn 100 đội đến từ các trường THPT trong toàn quốc để giành Cúp vô địch tại Cuộc thi Vietnam Robotics Challenge năm 2022 do Trường đại học FPT và Maker Việt tổ chức. Thành công này có được từ sự đoàn kết, sáng tạo và ý chí quyết chiến, quyết thắng của 11 thành viên trong đội.

Đội ARES, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc với robot tham gia thi đấu đoạt Cúp vô địch tại Cuộc thi Vietnam Robotics Challenge năm 2022. Ảnh: Trà Hương

Đội ARES, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc với robot tham gia thi đấu đoạt Cúp vô địch tại Cuộc thi Vietnam Robotics Challenge năm 2022. Ảnh: Trà Hương

Trong cảm xúc trào dâng niềm phấn khởi khi giành chiến thắng vang dội tại Cuộc thi Vietnam Robotics Challenge năm 2022, em Đinh Tiến Mạnh, Đội trưởng Đội ARES cho biết: “Chúng em rất vui khi giành Cúp vô địch tại cuộc thi nhưng không quá bất ngờ bởi chiến thắng này đã nằm trong dự kiến của cả đội”.

Cuộc thi Vietnam Robotics Challenge là sân chơi trong lĩnh vực thiết kế và vận hành robot, đồng thời, khuyến khích thế hệ trẻ xây dựng kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEAM) để giải quyết những vấn đề nhức nhối toàn cầu và cải thiện cuộc sống con người.

Năm 2022, cuộc thi thu hút hơn 100 đội thi đến từ các trường THPT trong toàn quốc tham gia tranh tài. Với chủ đề “Nhà máy năng lượng thời hậu Covid”, các đội thi thực hiện xây dựng những chú robot tự động và bán tự động làm việc trong các nhà máy để tạo ra năng lượng xanh; robot của mỗi đội thi phải được lập trình, đi theo luật chơi của Ban Tổ chức đưa ra. Thể lệ cuộc thi cũng đặt ra nhiều quy định khắt khe như Robot nặng tối đa 9 kg; kích thước 50 cm x 50 cm; linh kiện điện tử do Ban Tổ chức chỉ định về số lượng…

Sau khi nghiên cứu kỹ thể lệ, quy định của cuộc thi, Đội ARES hăng hái bắt tay vào xây dựng ý tưởng và thiết kế robot. Nếu như các đội khác chế tạo robot từ sự gợi ý và khuôn mẫu robot đạt giải quốc tế do Ban Tổ chức đưa ra thì Đội ARES cho rằng khuôn mẫu đó ưu việt nhưng có nhiều điểm không phù hợp với cuộc thi quy mô cấp quốc gia và nhiều tiêu chí khó làm bởi quy định khắt khe của cuộc thi lần này.

Do đó, Đội ARES đã cùng lên ý tưởng để tạo ra chú robot độc đáo, hoàn chỉnh nhất. Quá trình thực hiện, đội gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với sự đoàn kết và tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng đã thôi thúc cả đội tiếp tục cố gắng hoàn thành mục tiêu.

Đồng thời, sự động viên, tận tình hướng dẫn của thầy giáo Phùng Văn Kiệm và sự quan tâm của nhà trường đã tạo thêm động lực để cả đội lại vực dậy tinh thần, sửa chữa, viết lại code và đóng góp, điều chỉnh ý tưởng ngày càng hoàn hảo. Kết quả, cả đội đã thành công tạo ra robot ARES (tên một vị thần trong Thần thoại Hy Lạp) với thiết kế chắc chắn, độc đáo, sáng tạo và vẫn đảm bảo phù hợp với thể lệ, quy định của cuộc thi.

Với nhiều tính năng ưu việt, nên trong quá trình thi đấu, robot ARES có sức công phá "khủng", mỗi lần càn quét đều khiến các đối thủ phải dè chừng. Điều đặc biệt là trong khi robot các đội chỉ lấy được 1 - 2 hộp năng lượng thì "chiến thần" ARES với thiết kế gấp khúc và độ bền cao luôn lấy được nhiều hộp năng lượng nhất (8 hộp) và đặt ở vị trí tầng 2 nên ghi được số điểm cao gấp nhiều lần.

Ở vòng thi đấu thứ nhất, liên minh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc và Trường THPT Quốc Oai đã “đè bẹp” đối thủ với 481 điểm. Ở vòng thi đấu thứ 2, liên minh vẫn đạt điểm số rất cao với 322 điểm và tiến vào vòng thi đấu thứ 3 đạt 410 điểm.

Tại vòng thi đấu thứ 4, robot ARES liên minh với robot của Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và giành thắng lợi với điểm số 284.

Vào vòng tứ kết, 16 đội mạnh nhất bốc thăm để thành lập liên minh và liên minh này giữ nguyên cho tới vòng chung kết. Lúc này, Đội ARES thay đổi chiến thuật, từ “trăm trận trăm thắng” đã cố tình thua 1 trận để được ghép đôi liên minh với Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội).

Vượt qua tứ kết, sau đó là bán kết rồi vào đến trận chung kết, robot ARES luôn giữ được sự ổn định, hiệu quả, mang lại điểm số cao.

Tại trận chung kết, khán giả được mãn nhãn với cuộc chiến gay cấn giữa 2 liên minh ngang tài ngang sức: THPT Chuyên Vĩnh Phúc + THPT Nguyễn Gia Thiều và THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam + THPT Vinschool.

Trong trận này, do biết sức mạnh và khả năng ghi điểm khủng của robot ARES nên liên minh đối thủ thực hiện chiến thuật phòng thủ, ngăn cản robot ARES ghi điểm.

Trước tình thế đó, Đội trưởng Đội ARES đã có quyết định táo bạo nhưng hiệu quả khi để đồng minh ghi điểm trước, sau đó, bất ngờ công phá. Nhờ khả năng ứng biến cao, chiến thuật hợp lý, robot ARES đã phối hợp nhịp nhàng với robot của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều lấy được nhiều hộp năng lượng, đặt ở vị trí đạt điểm tối đa, tạo nên chiến thắng thuyết phục, giành ngôi vị quán quân; đồng thời, Đội ARES còn giành giải Sáng tạo - giải thưởng phụ của cuộc thi.

Thầy giáo Phùng Văn Kiệm cho biết: "Phần thưởng dành cho đội quán quân là 10 triệu đồng và học bổng 30% tại Trường đại học FPT cho mỗi thành viên trong đội. Ngoài ra, các thành viên thi đấu xuất sắc sẽ có cơ hội cùng Maker Việt trải qua khóa huấn luyện các kỹ năng mới để trở thành kỹ sư robotic.

Hiện tại, một số thành viên trong đội đã được chọn để tham dự cuộc thi robot quốc tế, dự kiến tổ chức vào tháng 10/2022 tại Thụy Sỹ, do đó, các em sẽ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nâng cấp robot. Cả đội rất mong nhà trường và Sở GDĐT quan tâm hơn nữa để các thành viên đạt kết quả cao, đem vinh quang về cho bản thân, nhà trường và ngành Giáo dục tỉnh”.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/79203/thanh-cong-tu-su-doan-ket-sang-tao.html