Thành đoàn TP.HCM nói gì về video đông người tụ tập xem ca nhạc đêm 2/9?
Từ tối 2/9 đến sáng 3/9, mạng xã hội lan truyền đoạn video nhiều người tụ tập xem ca nhạc tại bệnh viện dã chiến ở TP.HCM vi phạm về giãn cách và phòng chống dịch.
Trả lời về vấn đề này, tại họp báo tối 3/9, bà Trịnh Thị Hiền Trân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM cho biết, tối 2/9, Thành đoàn Thành phố có tổ chức chương trình ca nhạc tại Bệnh viện dã chiến 6,7,8 nhằm mang đến “món ăn tinh thần” cho các y bác sĩ và bệnh nhân tại các bệnh viện nhân ngày lễ 2/9.
Đây là chương trình thứ 10 trong chuỗi chương trình “Thành phố 18h” của Thành đoàn Thành phố. Trước đó, 9 chương trình đều tổ chức theo hình thức trực tuyến. Riêng lần này tổ chức trực tiếp tại bệnh viện dã chiến.
Theo bà Trân, tất cả các lực lượng tham gia gồm văn nghệ sĩ, hậu cần, y tế… đều xét nghiệm COVID-19 âm tính và đã tiêm vaccine tại các bệnh viện dã chiến chứ không có người dân bên ngoài vào.
Thành phần tham gia là các văn nghệ sĩ tình nguyện, các y bác sĩ và bệnh nhân trong các bệnh viện. Tất cả đều mặc đồ bảo hộ, yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, bệnh nhân không xuống sân và ở tại mỗi phòng hoặc ở lan can để xem.
Tuy nhiên, theo bà Trân, đây là hoạt động ý nghĩa, nhưng trong quá trình thực hiện đôi lúc còn để xảy ra giãn cách chưa nghiêm, vi phạm an toàn phòng dịch.
“Chương trình có mục đích chào mừng kỷ niệm 76 năm Quốc khánh của Việt Nam, thứ hai đây là chương trình giúp cung cấp thông tin cần thiết phòng chống dịch cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên thành phố, giải tỏa căng thẳng cho các y bác sĩ… Tuy nhiên trong quá trình tổ chức đôi lúc chưa đảm bảo giãn cách, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động”, bà Trân nói.
Cũng tại họp báo, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho rằng, mục đích và ý nghĩa của chương trình này là rất tốt, tạo sự cân bằng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên về mặt dư luận, trong thời điểm thành phố thực hiện công điện của Chính phủ trong thời gian nghỉ lễ, phải tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách. Rút kinh nghiệm từ lễ 30/4 vừa qua, ban tổ chức chưa lường hết được những tình huống xảy ra, góc độ tiếp cận còn nhiều ý kiến khác nhau. Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố cần phải xem lại và rút kinh nghiệm.
“Còn rất nhiều chương trình khác nữa, do vậy Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố cần bám sát công văn, chỉ thị của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia và TP.HCM. Vì vấn đề này còn liên quan nhận thức của xã hội, chứ không phải tại một địa điểm cụ thể. Khi video clip lan truyền, người dân yêu cầu các cơ quan quản lý giải thích (việc) tập trung đông như vậy sẽ khiến các điểm nhỏ lẻ cũng đòi tổ chức, góp phần cho đời sống tinh thần dân cư. Hội Liên hiệp Thanh niên nên có văn bản giãi bày cụ thể để tránh việc mượn sự kiện này phát triển hoạt động khác tương tự vi phạm phòng chống dịch”, ông Khuê nói.
Từ ngày 10/8, chương trình trực tuyến “Thành phố 18h” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM phối hợp với Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố và một số công ty tổ chức với mong muốn nâng cao đời sống tinh thần của người dân TP.HCM sau 18h, đồng thời cung cấp những thông tin chính xác, cần thiết đến người dân trong thời điểm dịch COVID-18 diễn biến phức tạp hiện nay.
Video người tập trung đông xem ca nhạc ở Bệnh viện dã chiến số 8 TP.HCM tối 2/9 lan truyền trên mạng xã hội