Thanh Hóa: Cận cảnh đời sống khốn khổ của 31 hộ dân trong lòng di tích Lam Kinh

31 hộ dân trong lòng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh suốt 17 năm qua 'sống mòn' trong những ngôi nhà sập xệ chỉ chờ đổ sập, mong mỏi được chuyển ra khu tái định cư vẫn là ước muốn xa vời.

Phía ngoài những căn nhà, ki ốt sập xệ trong khi di tích Lam Kinh

Phía ngoài những căn nhà, ki ốt sập xệ trong khi di tích Lam Kinh

Theo phản ánh của người dân thôn Phúc Lâm (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), vào khoảng cuối năm 1998, rất nhiều hộ dân ra thuê đất của xã, ngay sau lưng lăng mộ vua Lê, dựng căn nhà tạm vừa lấy chỗ nương thân, vừa mưu sinh. Thời đó đang còn hoang sơ, khu lăng mộ còn chưa được quan tâm, tu bổ. Đến năm 2000, UBND xã Xuân Lam bán toàn bộ diện tích mà các hộ đã thuê trước đó.

Những con đường người dân đi lại không được đầu tư, mọc đầy cỏ cây

Những con đường người dân đi lại không được đầu tư, mọc đầy cỏ cây

Tháng 6/2002, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử Lam Kinh, diện tích khu di tích được mở rộng. Để thực hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di chuyển 1 khu chợ và 31 hộ dân sống ở khu vực phía đông khu di tích (thuộc thôn Phúc Lâm) ra khỏi vùng quy hoạch.

Nhiều hộ dân phải đóng cửa, bỏ nhà đi nơi khác ở

Nhiều hộ dân phải đóng cửa, bỏ nhà đi nơi khác ở

Đến năm 2004, UBND huyện Thọ Xuân cùng các ngành đã kiểm kê tài sản, áp giá đền bù, đồng thời xây dựng mặt bằng tái định cư cách đó khoảng 700m để di chuyển các hộ dân, nhường đất cho khu di tích.

Ông Nguyễn Đình Tớn cũng như 30 hộ dân thôn Phúc Lâm mòn mỏi chờ được di chuyển ra khu ở mới

Ông Nguyễn Đình Tớn cũng như 30 hộ dân thôn Phúc Lâm mòn mỏi chờ được di chuyển ra khu ở mới

Cũng từ đó đến nay, 31 hộ dân thuộc diện di dời dường như bị chính quyền "bỏ rơi", họ phải sống trong những căn nhà cấp 4, ki ốt bán hàng lợp ngói hoặc mái tôn, mái xi-măng đã xuống cấp nghiêm trọng, xập xệ, chật hẹp.

Do bị quy hoạch treo nên nhiều phúc lợi xã hội người dân không được hưởng, nhất là nguồn nước bị ô nhiễm nhưng vẫn phải dùng giếng khoan

Do bị quy hoạch treo nên nhiều phúc lợi xã hội người dân không được hưởng, nhất là nguồn nước bị ô nhiễm nhưng vẫn phải dùng giếng khoan

Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: "Ngay sau khi có quy hoạch mở rộng, huyện cùng các ngành đã tiến hành công tác kiểm kê và chuẩn bị mặt bằng sẵn để di chuyển các hộ dân, nhường đất cho di tích. Nhưng sau đó, do không có tiền chi trả đền bù, hỗ trợ người dân nên việc di dời bị dừng cho đến nay.

Kiến nghị của người dân thôn Phúc Lâm là hoàn toàn chính đáng, nhưng do khó khăn về kinh phí nên vẫn chưa thể chuyển các hộ ra khu ở mới. Việc tiếp tục di dời 31 hộ dân ra khu tái định cư hay không vượt ngoài khả năng và thẩm quyền của huyện. Chúng tôi cũng chỉ biết gửi kiến nghị của người dân lên cấp trên và chờ đợi!".

Căn nhà của gia đình bà Đỗ Thị Minh đã đổ sập, hiện 3 khẩu đang phải sống chật chội trong gian quán nhỏ hẹp

Căn nhà của gia đình bà Đỗ Thị Minh đã đổ sập, hiện 3 khẩu đang phải sống chật chội trong gian quán nhỏ hẹp

Suốt 17 năm qua, ý kiến ngược xuôi, lên xuống và thực trạng sống của các hộ dân Phúc Lâm, các cơ quan chức năng đều biết. Tuy nhiên, tất cả đều vẫn chỉ nằm trên giấy, sau mỗi cuộc họp lãnh đạo xã, huyện lại "tiếp thu và xin ý kiến cấp trên".

Ước mơ ra khu tái định cư để ổn định cuộc sống, trả lại sự tôn nghiêm của khu di tích vẫn là điều xa vời, người dân vẫn chịu đựng tình cảnh "mắc cạn" ngay trong lòng di tích.

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thanh-hoa-can-canh-doi-song-khon-kho-cua-31-ho-dan-trong-long-di-tich-lam-kinh-20191007093040791.htm