Thanh Hóa: Hiệu quả từ việc phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho vùng dân tộc thiểu số

Thanh Hóa đã chú trọng việc phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho vùng dân tộc thiểu số, giúp người dân thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước.

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động và trợ giúp pháp lý cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp người dân nơi đây nắm vững và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Cầm Bá Tường - Phó Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tại buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số các thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Sơn.

Ông Cầm Bá Tường - Phó Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tại buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số các thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Sơn.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, là một mục tiêu của Tiểu dự án 1, Dự án 10 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719. Theo đó, từ nguồn kinh phí của Chương trình này, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của các tầng lớp Nhân dân ở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đa dạng hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật

Thanh Hóa là tỉnh lớn với 11 huyện miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện môi trường sống và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, việc hiểu biết kiến thức pháp luật hạn chế, dẫn đến nhiều thiệt thòi trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cũng như vô tình vi phạm pháp luật.

Để nâng cao kiến thức về pháp luật cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và trợ giúp pháp lý. Thông qua các hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến pháp luật; các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn phát hành tài liệu, xây dựng các bản tin, chương trình, phóng sự pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng...là những hình thức tuyên truyền được tỉnh Thanh Hóa triển khai thường xuyên.

Đồng bào dân tộc thiểu số các thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa tại buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật đợt tháng 8/2023.

Đồng bào dân tộc thiểu số các thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa tại buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật đợt tháng 8/2023.

Báo cáo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị triển khai các văn bản mới như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Thanh tra… cho cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp.

Riêng Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và một số tổ chức khác, triển khai thực hiện 16 hội nghị tại các huyện Ngọc Lặc, Nông Cống, Thọ Xuân, Như Xuân, Vĩnh Lộc, Lang Chánh… để tập huấn nghiệp vụ, pháp luật cho 4.840 đại biểu là cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hòa giải viên cơ sở, cán bộ chủ chốt cơ sở.

Ngoài ra, thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2027”, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cũng đã tổ chức 22 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn và ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp với sự tham gia của gần 6.000 lượt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên; Tổ chức 10 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với sự tham gia của trên 6.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên.

Nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp người dân tự bảo vệ mình

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719; đồng thời triển khai nhiều đề án, kế hoạch tuyên truyền cho người dân trên địa bàn như: Đề án “Giảm thiếu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2018-2025”, Kế hoạch “tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông giai đoạn 2021-2025”.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Lát.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Lát.

Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ này, từ năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 37 hội nghị tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho 5.095 đại biểu các thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, thôn bản vùng đồng bào Mông trên địa bàn các huyện miền núi... góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, từ đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nắm vững và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị như: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp UBND các huyện miền núi tổ chức phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức hội thi, phiên tòa giả định, phát hành tài liệu pháp luật, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép tuyên truyền pháp luật với diễn văn nghệ, tiểu phẩm... đến cán bộ và Nhân dân khu vực miền núi, vùng sâu xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với những nỗ lực của các sở, ban, ngành; các địa phương trên địa bàn, đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết nội bộ trong nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Hà Văn Hồng, Bí thư Chi bộ thôn Tân Bình, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh cho biết: Thông qua các hội nghị tập huấn, chúng tôi được nghe các báo cáo viên giới thiệu một số chuyên đề rất thiết thực, hữu ích trong cuộc sống, công việc hàng ngày như: Luật An ninh mạng; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền, giới thiệu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng dân tộc miền núi... Qua đó, giúp mỗi cán bộ thôn, bản củng cố, cập nhật, bổ sung một số kiến thức, kỹ năng tuyên truyền pháp luật, tiếp tục vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính sách dân tộc và các chương trình, dự án đang được triển khai tại địa phương.

Thông qua các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao hiểu biết về pháp luật, biết tự bảo vệ mình trước các hành vi vi phạm pháp luật.

Thông qua các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao hiểu biết về pháp luật, biết tự bảo vệ mình trước các hành vi vi phạm pháp luật.

Còn ông Cầm Bá Tường, Phó Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, thông qua công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số trong tình hình mới. Từ những buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức tại cơ sở, người dân được tiếp cận và tương tác hai chiều với hoạt động tuyên truyền pháp luật miễn phí, từ đó nâng cao hiểu biết về pháp luật, giúp người dân biết tự bảo vệ mình trước các hành vi vi phạm pháp luật.

Giai đoạn 2021 - 2025, theo Quyết định 861/2021/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, toàn tỉnh Thanh Hóa có 174 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc phạm vi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Hoàng Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-hoa-hieu-qua-tu-viec-pho-bien-giao-duc-phap-luat-tro-giup-phap-ly-cho-vung-dan-toc-thieu-so-274648.html