Thanh Hóa 'khát' nhà đầu tư hạ tầng bến xe
Việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bến xe khách, xe buýt tại Thanh Hóa gặp khó do việc đầu tư hạ tầng chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa, trong khi hiệu quả đầu tư, lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác hạ tầng không cao...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 24 bến xe khách tại 21 huyện, thị xã, thành phố. 6 huyện chưa có bến xe khách, gồm huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hà Trung, Như Thanh, Bá Thước.
NHIỀU CHỦ BẾN XE CHƯA CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ NÂNG CẤP HẠ TẦNG
Trong 24 bến xe khách đang hoạt động, có 19 bến đủ tiêu chuẩn đã được công bố, còn lại 5 bến chưa đủ tiêu chuẩn công bố bến xe do vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai và chưa hoàn thiện các hạng mục theo quy định. Cụ thể như: Bến xe khách phía Tây và bến xe khách phía Nam (TP Thanh Hóa), bến xe khách Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), bến xe khách Quán Lào (huyện Yên Định), bến xe khách thị trấn Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc).
Về hạ tầng phục vụ xe buýt, toàn tỉnh Thanh Hóa có 155 nhà chờ xe buýt. Trong đó, TP Thanh Hóa có 54 nhà, các địa phương khác 101 nhà, các điểm đầu, điểm cuối tuyến xe buýt đều do các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt tự thuê đất để bố trí văn phòng, kho bãi, nơi đậu đỗ xe tạm thời.
Theo thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, thời gian qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường quản lý, đầu tư, khai thác hạ tầng bến xe khách, hạ tầng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc quản lý, đầu tư khai thác hạ tầng bến xe khách, hạ tầng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, như việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bến xe khách, điểm đầu, điểm cuối các tuyến xe buýt còn khó khăn, do việc đầu tư các hạ tầng trên chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa, trong khi hiệu quả đầu tư, lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác hạ tầng bến xe khách, hạ tầng xe buýt không cao.
Nhiều chủ bến xe chưa chú trọng đầu tư nâng cấp, sửa chữa bến xe khách, để hạ tầng xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, như: Bến xe phía Tây, bến xe phía Nam thành phố Thanh Hóa, bến xe Quán Lào, huyện Yên Định… Các bến xe khách Ngọc Lặc và Sầm Sơn đến nay vẫn chưa đảm bảo điều kiện công bố bến xe đạt chuẩn do vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai, hiện vẫn chỉ là bến xe tạm.
NGÓNG CHỜ BẾN XE TRUNG TÂM THÀNH PHỐ THI CÔNG
Tại khu vực trung tâm như TP Thanh Hóa với mật độ phương tiện lưu thông đông đúc, hiện có 3 bến xe: Bến xe phía Bắc, bến xe phía Nam và bến xe phía Tây. Trong đó, 2 bến xe phía Bắc và phía Nam phục vụ vận chuyển hành khách tuyến đường dài. Còn lại bến xe phía Tây phục vụ nhu cầu đi lại của người dân lên các huyện miền núi Thanh Hóa.
Theo Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, bến xe khách phía Tây (thuộc phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) hiện nay đang khai thác tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh và liên tỉnh, trong đó vận tải hành khách liên tỉnh khoảng 45 chuyến/ngày, vận tải hành khách nội tỉnh khoảng 74 chuyến/ngày với tổng hành khách khoảng 1.420 người/ngày.
Về cơ bản, bến xe khách phía Tây TP Thanh Hóa đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, nhất là từ TP Thanh Hóa đi các huyện miền núi phía Tây của tỉnh và ngược lại, là điểm trung chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh với các tuyến xe buýt số 02, 04, 10, 16 có tần suất khoảng 220 chuyến/ngày.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, ở bến xe phía Tây TP Thanh Hóa hiện nay có một số hạng mục như nhà làm việc, phòng chờ hành khách, phòng y tế được xây dựng tạm đã xuống cấp. Nếu đầu tư kiên cố các hạng mục trên chỉ sử dụng trong thời gian ngắn khi bến xe khách phía Tây mới đi vào hoạt động thì hiệu quả đầu tư không cao.
Mặt khác, bến xe nằm trong khu vực trung tâm TP Thanh Hóa, đông dân cư nên gây khó khăn cho công tác phân luồng, tổ chức giao thông vào các giờ cao điểm, ngày nghỉ cuối tuần.
Hạ tầng giao thông xung quanh bến mặc dù đã được cải tạo, nâng cấp, tuy nhiên vào những dịp ngày nghỉ lễ, Tết do lượng phương tiện tập trung nhiều nên đã xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số tuyến đường dẫn vào khu vực bến xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh trong thời gian tới phù hợp với sự phát triển hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Hương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan sớm triển khai thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng bến xe trung tâm ở phía Tây TP Thanh Hóa.
Bến xe phía Tây được quy hoạch là bến xe trung tâm TP Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Hương đầu tư xây dựng trên diện tích 9,9ha đất tại xã Đông Tân và Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa). Dự án xây dựng bến xe có tổng mức gần 300 tỷ đồng theo quyết định chấp thuận đầu tư năm 2016.
Trong đó, khu bến xe khách 4,42ha, khu bến hàng hóa 1 ha, trạm cung cấp nhiên liệu 0,35ha, khu sửa chữa bảo dưỡng xe 0,4ha, khu dịch vụ thương mại tổng hợp 0,7ha và các công trình phụ trợ khác.
Bến xe này sau khi xây dựng có vị trí địa lý rất thuận lợi vì phía Bắc giáp QL45 và khu dân cư, phía Nam giáp Đại lộ Đông Tây. Tuy nhiên, đến nay bến xe đang trong quá trình lập quy hoạch, chưa được khởi công xây dựng.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc xây dựng bến xe phù hợp với quy hoạch của TP Thanh Hóa sau khi huyện Đông Sơn sáp nhập về.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-khat-nha-dau-tu-ha-tang-ben-xe.htm