Thành phố Hồ Chí Minh: Lan tỏa phong trào học tập suốt đời

Những năm qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả các mô hình 'Gia đình học tập', 'Dòng họ học tập', 'Cộng đồng học tập'... Các mô hình học tập suốt đời này đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án “Thư viện thông minh lưu động” của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tân Bình phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh thực hiện góp phần thúc đẩy xây dựng “Cộng đồng học tập” trên địa bàn quận.

Gần 8.300 mô hình học tập

Quận 1 là một trong những địa phương phát triển tốt phong trào dòng họ học tập và cộng đồng học tập. Theo Hội Khuyến học quận 1, sau 5 năm phát triển, đến năm 2020, toàn quận đã có 20.743 gia đình học tập, chiếm 75,77% tổng số hộ của quận; 22 dòng họ học tập; 59 cộng đồng học tập và 49 đơn vị học tập.

Điển hình có thể kể đến dòng họ Lý. Ông Lý Văn Đức (ngụ tổ 4, khu phố 3, phường Đa Kao, quận 1) tự hào chia sẻ: Việc khuyến học của dòng họ đã thành nền nếp. Hằng năm, Ban Khuyến học của dòng họ tổ chức lễ phát thưởng tại nhà thờ tộc họ Lý cho các cháu có thành tích học tập tốt. Hiện dòng họ Lý đã có 2 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 10 thạc sĩ...

Còn gia đình ông Trần Đức Lương (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) có nhiều năm liền được Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh trao chứng nhận danh hiệu gia đình học tập. Ông Trần Đức Lương chia sẻ: “Nhờ xây dựng gia đình học tập mà các con, cháu trong gia đình đều chăm ngoan học giỏi và có công việc ổn định”.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, sau 5 năm triển khai Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, toàn thành phố đã có 8.272 mô hình học tập được biểu dương ở cấp phường, xã. Đặc biệt, tính đến tháng 6-2020, tổng số gia đình đăng ký danh hiệu gia đình học tập là 1.495.754 gia đình, đạt tỷ lệ 78,99% tổng số gia đình của thành phố. Với mô hình dòng họ học tập, đã có 859 dòng họ đăng ký, chiếm tỷ lệ 94,81% tổng số dòng họ ở các địa phương. Riêng với hai mô hình cộng đồng học tập và đơn vị học tập, tỷ lệ đăng ký đạt hơn 97%.

Tiếp tục phát triển phong trào

Để phong trào khuyến học ngày càng phát triển sâu rộng, thực chất và không ngừng nâng cao chất lượng, các cấp hội khuyến học tại thành phố Hồ Chí Minh đã và đang áp dụng nhiều mô hình khuyến học một cách hiệu quả. Tại quận 1, bên cạnh việc duy trì quỹ học bổng trợ giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Hội Khuyến học quận 1 tiếp tục tổ chức vận động quyên góp sách vở, xe đạp, quần áo, đồ dùng học tập cho các em; giới thiệu các em có hoàn cảnh khó khăn được học nghề miễn phí. Ngoài ra, Hội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ quận 1 hỗ trợ gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống, giúp các em yên tâm đến trường.

Trong khi đó, tại quận 6, Hội Khuyến học quận sẽ chú trọng đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cho biết: "Chúng tôi rất mong được các cơ quan hữu quan giúp đỡ việc phát triển và xây dựng hệ thống dạy, học trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động tiếp cận, cập nhật kiến thức. Đây cũng là hình thức phù hợp để tiếp tục phát triển, lan tỏa các mô hình học tập suốt đời trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay", bà Lê Thị Thanh Thảo chia sẻ.

Về các hoạt động khuyến học cấp thành phố, Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh thông tin, sẽ tiếp tục duy trì quỹ học bổng khuyến tài - còn gọi là quỹ học bổng 1&1, để kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, trợ giúp các em học sinh, sinh viên nghèo học giỏi. Bà Lê Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học thành phố Hồ Chí Minh, người sáng lập quỹ học bổng 1&1, cho biết: Đây là hình thức học bổng do 1 cá nhân hoặc 1 đơn vị tài trợ học bổng cho 1 sinh viên cụ thể cho đến khi sinh viên đó tốt nghiệp đại học. Người trao học bổng còn đóng vai trò nâng đỡ, động viên, chia sẻ với người nhận học bổng về mặt tinh thần, về kinh nghiệm sống... trong suốt quá trình học tập.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, Thành ủy, UBND thành phố luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, ngành Giáo dục và Đào tạo, hội khuyến học các cấp... của thành phố thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Đây là một trong những công việc quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/985034/thanh-pho-ho-chi-minh-lan-toa-phong-trao-hoc-tap-suot-doi