Thành phố Hồ Chí Minh: Nữ bệnh nhân tử vong tại cơ sở thẩm mỹ không phép, nhiều sai phạm tại các phòng khám
Nữ bệnh nhân 25 tuổi tử vong do thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại cơ sở thẩm mỹ không phép 'Key Beauty Center', Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo TTXVN, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông tin nhanh về trường hợp nữ bệnh nhân 25 tuổi tử vong do thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ở một cơ sở thẩm mỹ không phép trên địa bàn.
Theo đó, Sở Y tế Thành phố nhận được thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy về trường hợp tử vong nghi do sốc phản vệ sau khi được tiêm thuốc gây tê/mê của bệnh nhân N.T.P (sinh năm 1997).
Khoảng 11 giờ 15 phút ngày 26/11, bệnh nhân N.T.P đến Trung tâm thẩm mỹ "Key Beauty Center", địa chỉ 154/9 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 8, quận Phú Nhuận để đốt mỡ vùng 2 cánh tay và ngực trái.
Sau khi tiêm thuốc chuẩn bị tiền phẫu, bệnh nhân có biểu hiện tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn, được ép tim ngoài lồng ngực và chuyển sang Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân được nhập Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 13 giờ 37 phút ngày 26/11 trong tình trạng mê sâu, thở máy qua nội khí quản. Dù được các bác sĩ hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong ngày 29/11.
Sau khi nhận được thông tin, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Phòng Y tế và Công an Phường 8, quận Phú Nhuận tiến hành kiểm tra tại Trung tâm thẩm mỹ "Key Beauty Center".
Đoàn kiểm tra ghi nhận, tại căn nhà số 145/9 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 8, quận Phú Nhuận không có biển hiệu (biển hiệu đã tháo gỡ), căn nhà 2 tầng đang sửa chữa, các phòng trên tầng 1,2 đã dọn sạch; tại tầng trệt còn sót lại 1 ghế tiểu phẫu đang dọn.
Chủ căn nhà cho biết, trước đây có một người thuê căn nhà để kinh doanh "chăm sóc da" nhưng đã thông báo trả nhà, thanh lý hợp đồng và dọn đi vào ngày 1/12. Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục phối hợp với Phòng Y tế, Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận và Công an Thành phố Hồ Chí Minh để làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế, và các cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng.
Nhiều sai phạm tại các phòng khám
Theo Cổng Thông tin điện tử Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh triển khai đường dây nóng và app "Y tế trực tuyến" chuyên tiếp nhận các phản ánh tình trạng "vẽ bệnh, moi tiền", Thanh tra Sở Y tế Thành phố tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất các phòng khám từng vi phạm và tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).
Cụ thể, thanh tra Sở Y tế cùng các chuyên gia của ngành đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại 12 phòng khám đa khoa đã từng bị xử lý vi phạm hành chính trước đây, trong đó 4 phòng khám có đăng ký người hành nghề là người nước ngoài (phòng khám đa khoa Âu Á - Quận 6, phòng khám đa khoa Hoàn Cầu – Quận 5, phòng khám đa khoa Hồng Phong - Quận 5, phòng khám đa khoa Thăng Long - Quận 10).
Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế ghi nhận tại các Phòng khám này ít nhiều đều có vi phạm các quy định hành nghề khám chữa bệnh, cụ thể như: bố trí thêm phòng điều trị, bổ sung trang thiết bị y tế nhưng chưa báo cáo Sở Y tế; không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không đủ dụng cụ để thực hiện các thủ thuật sản phụ cho người bệnh; Nhân sự tham gia khám bệnh, chữa bệnh chưa đăng ký hành nghề theo quy định, nhân sự đã đăng ký hành nghề tại phòng khám nhưng không có mặt đầy đủ theo thời gian đã đăng ký hành nghề với Sở Y tế.
Khi kiểm tra hoạt động chuyên môn của các phòng khám này, các chuyên gia tham gia đoàn kiểm tra (Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Bình Dân) nhận thấy một số người hành nghề chưa nắm bắt được chuyên môn trong quá trình điều trị; Chẩn đoán và điều trị chưa đúng phác đồ của Bộ Y tế; Chỉ định kháng sinh không phù hợp phác đồ điều trị; Không có chứng chỉ đào tạo chuyên môn phù hợp.
Ngoài ra, lỗi hay gặp tại các phòng khám này là quảng cáo không đúng, không phù hợp với nội dung đã được Sở Y tế xác nhận; Quảng cáo quá phạm vi chuyên môn đã được Sở Y tế cấp phép hoạt động (điều trị bệnh nam khoa, bệnh xã hội, bệnh trĩ…
Theo quy định của pháp luật, ngoài các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các "dịch vụ làm đẹp" thành 3 nhóm.
Nhóm 1 bao gồm các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Đây là những cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng… hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế. Do đó, chỉ cần giấy phép kinh doanh do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.
Nhóm 2 là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
Các cơ sở này phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Nhóm 3 là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người… Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.