Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn Hội đồng nhân dân quận từ ngày 1-7-2021

Sáng 16-11, với đa số đại biểu tán thành (87,14% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1-7-2021.

Quận, phường không còn Hội đồng nhân dân

Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết. Theo Nghị quyết, chính quyền địa phương ở TP Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm có: Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố và Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố.

Chính quyền địa phương ở quận tại TP Hồ Chí Minh là UBND quận. UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND Thành phố.

Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này, theo phân cấp của UBND Thành phố, UBND quận, UBND thành phố thuộc Thành phố và theo ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, thành phố thuộc Thành phố.

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

 Toàn cảnh phiên họp sáng 16-11. Ảnh: VPQH

Toàn cảnh phiên họp sáng 16-11. Ảnh: VPQH

Cơ cấu tổ chức của UBND quận gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận. Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận là công chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.

HĐND Thành phố sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận

Đáng chú ý, Nghị quyết quy định, HĐND Thành phố sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND Thành phố đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu HĐND Thành phố trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND Thành phố đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Nghị quyết nêu rõ, kể từ ngày 1-7-2021, UBND quận, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết này. Trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận, phường thì Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận, phường mới được bổ nhiệm.

Việc đề xuất mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng

Trước đó, mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Giải trình thêm nội dung này tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Việc đề xuất mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh như Chính phủ đã trình đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 cũng như phù hợp với đặc điểm, tính chất, yêu cầu phát triển của Thành phố, có sự đồng thuận của người dân và dựa trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của việc thí điểm không tổ chức HĐND tại quận, huyện, phường trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 từ năm 2009 đến năm 2016. Do đó, xin phép được giữ quy định mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh như quy định tại nghị quyết.

Ngoài ra, về việc quy định HĐND TP Hồ Chí Minh lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc bổ sung quy định này nhằm cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận trước HĐND Thành phố, tăng cường sự giám sát, kiểm soát quyền lực của chính quyền Thành phố đối với chính quyền địa phương ở quận.

“Đây là một kênh thông tin tham khảo quan trọng để người có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động công tác đối với chức danh Chủ tịch UBND quận. Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận trong Nghị quyết này sẽ tạo cơ sở pháp lý để HĐND Thành phố triển khai thực hiện trên thực tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.

NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/thanh-pho-ho-chi-minh-se-khong-con-hoi-dong-nhan-dan-quan-tu-ngay-1-7-2021-643982