Thành phố Hồ Chí Minh: Tận dụng cơ hội xuất khẩu nông sản

Khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, nông sản là một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều. Hiện các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh đang tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu của Công ty Nutifood (thành phố Hồ Chí Minh).

Nhiều rào cản được xóa bỏ

Theo số liệu của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang thị trường EU đạt 2,3 tỷ USD. Riêng các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU trong nửa đầu năm nay đã đạt khoảng 313 triệu USD. Con số này là thấp so với khả năng cung cấp và nhu cầu của các bên cho thị trường EU với hơn 500 triệu dân.

Đơn cử như với mặt hàng gạo, năm 2019, lượng gạo mà các doanh nghiệp phía Nam xuất khẩu sang EU chỉ là 15.000 tấn, trong khi nhu cầu toàn thị trường này trong giai đoạn 2016-2020 là 2,5 triệu tấn gạo/năm. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho biết: "Gạo của chúng tôi đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang EU, nhưng do thuế quá cao nên khó cạnh tranh với gạo của các nước trong khu vực". Theo ông Phạm Thái Bình, trong khi gạo Campuchia và Myanmar được miễn thuế, không áp dụng hạn ngạch thì gạo Việt Nam bị áp thuế lên đến 175 euro/tấn gạo xay xát; 221 euro/tấn thóc…

Tuy nhiên, rào cản này sẽ được gỡ bỏ ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Chia sẻ về cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường này, Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI tại thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nam cho biết, theo cam kết, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%. Riêng mặt hàng tấm sẽ không còn hạn ngạch nữa và sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm.

Cùng với gạo, nhiều nông sản Việt Nam khác được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long... có thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản. Khi EVFTA có hiệu lực, đối với mặt hàng rau quả, 530/556 dòng thuế sẽ về 0%; 93% sản phẩm cà phê, hồ tiêu sẽ được miễn thuế theo lộ trình. Giám đốc Công ty cổ phần MeKong Herbals (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) Trần Văn An, cho hay: “Suốt 10 năm qua, chúng tôi đã xuất khẩu trái cây chế biến vào thị trường EU. Trước đây, mỗi tháng công ty xuất khẩu 12 container, nay với những ưu đãi về thuế quan, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng nhanh số lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu”.

Trợ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

Lợi thế về thuế quan khi EVFTA có hiệu lực là rất lớn. Song, từ năm 2016, các nước EU đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng nông sản đến từ châu Á. Do đó, không ít doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh còn gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường lớn, nhưng “khó tính” này. Là doanh nghiệp có thế mạnh trong sản xuất, chế biến trứng gia cầm xuất khẩu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân (quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Huân thông tin: “Chúng tôi đã đầu tư 1.000 tỷ đồng để sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu, nhưng trước đây EU không nhập khẩu trứng từ Việt Nam. Với EVFTA, trứng sẽ được nhập theo hạn ngạch vào châu Âu. Chúng tôi mong có nhiều thông tin để khai thác thị trường này".

Còn Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đặng Hiến đề xuất: “Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo thành phố tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại với các nước EU để mở rộng thị trường xuất khẩu".

Giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội xuất khẩu vào EVFTA, các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh đã, đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ. Cụ thể như: Hướng dẫn doanh nghiệp quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế; tổ chức các chương trình đào tạo về thương hiệu hàng hóa, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam; trợ giúp doanh nghiệp thực hiện tốt truyền thông, quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Ngoài ra, thông tin từ UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu, ban hành đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030 để cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Để giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội xuất khẩu nông sản sang EU, thành phố sẽ hướng dẫn các nội dung cam kết, quy định nêu trong hiệp định để doanh nghiệp có thể khai thác và hưởng lợi. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường các biện pháp bảo đảm sở hữu trí tuệ, ứng dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm xuất khẩu”.

Tuệ Diễm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/974353/thanh-pho-ho-chi-minh-tan-dung-co-hoi-xuat-khau-nong-san