Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là vùng vàng trong phòng, chống dịch Covid-19

Kết quả phân loại nguy cơ dịch Covid-19 được Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh công bố chiều 22-11 cho thấy, thành phố không còn đơn vị cấp huyện thuộc vùng nguy cơ 3 (vùng cam) và xã vùng nguy cơ 4 (vùng đỏ). Toàn thành phố xếp loại vùng nguy cơ 2 (vùng vàng).

Bản đồ phân vùng dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh tính đến chiều 22-11.

Cụ thể, nếu xét theo tiêu chí số ca mắc Covid-19 mới tính trên 100.000 dân/tuần, số liệu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) công bố cho thấy, tuần từ ngày 5 đến 11-11-2021, thành phố có 7.752 ca nhiễm mới. Tuần từ ngày 12 đến 18-11, có 8.432 ca nhiễm mới. Như vậy, thành phố đang có 88,4 ca/100.000 dân/tuần, xếp hạng nguy cơ 3 (vùng cam).

Tuy nhiên, do có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cao (99,92% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1; 97,23% người trên 50 tuổi được tiêm đủ 2 mũi); thành phố có đủ số giường hồi sức cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế để sẵn sàng ứng phó dịch nguy cơ cấp 4; các đơn vị cấp huyện đã thực hiện thiết lập trạm y tế lưu động..., nên theo tinh thần và các tiêu chí quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh đang ở cấp nguy cơ 2 (vùng vàng).

Huyện Cần Giờ tuần trước là vùng cam, nay đã thành vùng vàng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu, thành phố đang có 11/22 địa phương cấp huyện đạt cấp 1 (vùng xanh), gồm các quận 1, 4, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Củ Chi. Có 11/22 địa phương cấp huyện đạt cấp 2 (vùng vàng) gồm các quận 3, 5, 10, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, thành phố Thủ Đức và các huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè.

Như vậy, có 4 đơn vị cấp huyện giảm cấp độ dịch so với tuần trước, gồm các quận 11, Bình Thạnh và huyện Củ Chi giảm từ cấp 2 xuống cấp 1; huyện Cần Giờ từ cấp 3 xuống cấp 2. Có 2 địa phương tăng cấp độ dịch từ cấp 1 lên cấp 2 là quận 5 và quận Phú Nhuận.

Về cấp xã, có 150/312 địa phương cấp 1 (vùng xanh) và 157/312 địa phương cấp 2 (vùng vàng), 5/312 địa phương cấp 3 (vùng cam). So với tuần trước, thành phố có 25 đơn vị giảm cấp độ dịch và 37 đơn vị tăng cấp độ dịch.

“Đáng mừng là thành phố Hồ Chí Minh không còn huyện vùng cam, xã vùng đỏ như tuần trước”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.

Khu cách ly, điều trị Covid-19 tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và được giải thể.

Với tình hình thực tế về phòng, chống dịch Covid-19 như trên, ngành Y tế thành phố tiếp tục cơ cấu lại hệ thống y tế theo hướng thu gọn hệ thống bệnh viện dã chiến, tăng cường y tế cơ sở và tạo dựng nguồn cung nhân lực y tế ổn định cho các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 đang hoạt động.

Trong đó, UBND thành phố vừa có quyết định giải thể khu cách ly điều trị Covid-19 tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Đây là khu cách ly y tế lớn nhất của thành phố từng được lập để ứng phó với các đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Thượng tá Cao Văn Phát, Giám đốc khu cách ly Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày có quyết định thành lập (18-6-2021) đến nay, khu cách ly Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã được bổ sung lực lượng với hơn 700 cán bộ, chiến sĩ và 300 y, bác sĩ từ nhiều bệnh viện của thành phố để chăm sóc, phục vụ hơn 40.000 người cách ly, bệnh nhân.

Với những cơ sở điều trị Covid-19 còn hoạt động, Sở Y tế thành phố tổ chức các kíp nhân viên y tế luân phiên hoạt động tại đây. Sáng nay, 22-11, Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương đã điều động 30 bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện tham gia hỗ trợ chuyên môn trong công tác chống dịch Covid-19 tới Bệnh viện dã chiến số 16. Đây là bệnh viện thuộc tầng 3 của tháp điều trị, chuyên thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 rất nặng, phải hỗ trợ hô hấp.

Đoàn nhân viên y tế Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương tình nguyện đến làm việc tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 16.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương cho biết, các bác sĩ tình nguyện đến Bệnh viện dã chiến số 16 là những người từng trải qua công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid suốt từ tháng 6-2021 đến nay, nên có nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nặng, giảm thiểu tử vong.

Với hơn 47.000 F0 đang điều trị tại nhà, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thiết lập các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, nhưng có nhiều đổi mới so với mô hình trạm y tế lưu động trước đây.

Đơn cử, Chủ tịch HĐND thành phố Thủ Đức Nguyễn Phước Hưng thông tin, từ tháng 10-2021 đến nay, thành phố đã thành lập 202 tổ y tế lưu động tại 199 khu phố. Mỗi tổ có ít nhất 1 nhân sự y tế và 598 nhân sự khác (công an, quân sự, đoàn thanh niên, tổ dân phố…). Tổ y tế lưu động khu phố chịu sự điều hành trực tiếp từ UBND các phường và chịu sự quản lý về mặt chuyên môn của Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức.

Thành phố Thủ Đức thành lập mô hình Tổ y tế lưu động tại tổ dân phố, hoạt động hiệu quả từ tháng 10-2021 đến nay.

Ông Nguyễn Phước Hưng cho biết thêm: “Bước đầu, tổ y tế lưu động khu phố đạt hiệu quả tích cực trong tổ chức tiếp nhận thông tin, cung cấp đầy đủ gói an sinh, túi thuốc điều trị F0 tại nhà; theo dõi sức khỏe, chăm sóc, điều trị bệnh Covid-19 và bệnh lý đi kèm. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất số ca chuyển nặng; phát hiện sớm diễn tiến nặng; sơ cấp cứu, trợ giúp y tế ban đầu và kịp thời chuyển bệnh nhân đến cơ sở thu dung phù hợp khi có chỉ định. Đặc biệt, không để xảy ra trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong tại nhà”.

Thu Hoài

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1018061/thanh-pho-ho-chi-minh-van-la-vung-vang-trong-phong-chong-dich-covid-19