Thành phố Hòa Bình khi còn là thị xã

Những người cao tuổi mới cảm nhận sâu sắc về thị xã Hòa Bình cách đây mấy mươi năm. Khi ấy, thị xã Hòa Bình chỉ bó gọn trên tuyến quốc lộ 6 cũ, nay là đường An Dương Vương, nhà cửa thưa vắng, dăm ba cơ quan hành chính, hợp tác xã, cửa hàng thương nghiệp. Khắp tứ bề toàn núi rừng, lau sậy, nghe kể còn có cả hổ, báo, lợn lòi thỉnh thoảng 'lạc rừng' vào quấy phá nhà dân.

Một góc trung tâm thương mại bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình).

Một góc trung tâm thương mại bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình).

Bên bờ phải sông Đà là đầm Quỳnh Lâm lau sậy bạt ngàn, hoang vu. Chim, cò tìm về làm tổ, bay lượn từng đàn đen đặc mặt đầm, các loại cá tôm, cua ốc, trăn, rắn, ba ba nhiều vô kể. Người dân quanh vùng sinh sống nhờ nguồn lợi thủy sản từ đánh bắt cá, tôm ở đầm và trên sông Đà… Bên bờ trái cũng vậy, toàn đầm lầy, lau sậy, nối dài xuống tận Ba Vì, khung cảnh hoang vắng, buồn tẻ. Quốc lộ 6 nối từ Hà Đông đến thị xã Hòa Bình ngoằn ngoèo, cả ngày mới có một chuyến xe chật chội chở đầy người và hàng hóa. Khu vực đường An Dương Vương hiện nay chỉ có một vài điểm nhà ở cán bộ, khu dốc mì sợi, cửa hàng thương nghiệp được coi là phố, còn lại tối mịt mùng. Ngay cả những năm đầu tái lập tỉnh, thị xã Hòa Bình dù là trung tâm tỉnh lỵ, trụ sở cơ quan, nhà dân được xây dựng nhiều hơn, cuộc sống có phát triển hơn nhưng vẫn là một thị xã nghèo, nếu không có có công trình xây dựng thủy điện Hòa Bình chắc nhiều người cũng không biết đến. Thời gian xây dựng thủy điện, người dân được tham gia, tận hưởng không khí công trường, có xi măng, sắt thép để xây dựng nhà cửa. Nhưng vẫn là thời gian khó quên của những ngày gian khó. Hai bờ sông cách trở giao thương, để kết nối duy nhất giữa hai bờ thị xã là chiếc cầu phao dân sinh dập dềnh sóng nước, đi lại rất vất vả, gian nan. Vào mùa mưa lũ, chiếc cầu phao bị cắt, thay vào đó là những chuyến đò ngang qua sông. Nếu may mắn gặp đò còn nhanh bằng không thì phải chờ hàng tiếng đồng hồ để đò quay trở lại đón chuyến tiếp theo. Những kỷ niệm đi lại trên chiếc cầu phao ở khu vực kho muối, đê Đà Giang sang suối Đúng hay những chuyến đó sang sông Đà vẫn không thể nào quên trong ký ức của người dân thuở đó. Thời ấy, thị xã có các chợ là Phương Lâm - chợ chính bên bờ phải, chợ Chăm và bên kia sông Đà có chợ Tổng, chợ Vồ hàng hóa, người mua bán thưa thớt...

Thị xã Hòa Bình năm nào đã phát triển trở thành đô thị loại III, rồi thành phố trực thuộc tỉnh, đang trên đà trở thành đô thị loại II, đô thị ven sông Đà, hiện đại, văn minh, mang bản sắc riêng có, là nơi đáng sống của cư dân. Nhiều nguồn lực đầu tư tạo sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ. Thành phố đã có hệ thống giao thông trục dọc, trục ngang đồng bộ, khép kín, tạo ra những đổi thay rõ rệt trong trong diện mạo. Trước thành phố chỉ có khu dân cư Bắc Trần Hưng Đạo là nơi đáng sống, nay đường Chi Lăng kéo dài, bề mặt rộng tới 27m, trở thành trục giao thông chiến lược mở ra không gian phát triển đô thị cho khu vực đầm Quỳnh Lâm. Quảng trường Hòa Bình trở thành địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao lớn của tỉnh và các sự kiện lớn của đất nước như SEA Games 31, chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường" và lễ hội Carnival năm 2022… quảng bá du lịch, văn hóa của tỉnh đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Khu vực đầm Quỳnh Lâm xưa đang khởi động hàng loạt dự án giao thông phá vỡ thế độc đạo, tạo sự kết nối hạ tầng với các khu vực phường Dân Chủ, Thống Nhất, Thái Bình… nối tới đường tránh quốc lộ 6, đường Trần Hưng Đạo - Dân Chủ... Nhiều xã được nâng cấp lên phường. Nhiều tuyến đường, khu phố văn minh hình thành, hướng tới đô thị văn minh, sạch đẹp hơn. Trên địa bàn thành phố đã có 3 cây cầu hiện hữu kết nối hai bờ sông Đà, kết nối với các trục giao thông dọc ngang, mở ra không gian phát triển đô thị rộng lớn. Khu bờ trái sông Đà đã hình thành những tòa nhà cao tầng hiện đại, hệ thống dịch vụ thương mại, nhà hàng khách sạn, khu vui chơi giải trí; cơ quan, công sở xây dựng mới khang trang, hiện đại. Người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, giáo dục chất lượng cao.

Sau sáp nhập địa giới hành chính, TP Hòa Bình được mở rộng đang hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển khi có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có đồng bằng, núi non hùng vĩ, hạ tầng giao thông kết nối… Theo quy hoạch đến năm 2045, TP Hòa Bình phát triển dọc hai bên bờ sông Đà gắn với hệ thống đường, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, giao thông đồng bộ, kết nối với hồ Hòa Bình; thu hút đầu tư phát triển đô thị thương mại, du lịch dọc tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với các dịch vụ đồng bộ, lễ hội, làng nghề, hoạt động văn hóa truyền thống. Trên địa bàn thành phố đang khởi động nhiều dự trọng giao thông quan trọng, các dự án nhà ở đô thị ven sông, sân golf, hệ thống thương mại, dịch vụ... cùng hàng loạt dự án ngoài ngân sách Nhà nước, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố mang bản sắc riêng có, là đô thị sinh thái, phát triển xanh, bền vững.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/169133/thanh-pho-hoa-binh-khi-con-la-thi-xa.htm