Thành phố Tuyên Quang phục hồi sau lũ

Trận lũ lịch sử của cơn bão số 3 làm thành phố Tuyên Quang chìm trong biển nước, với hàng loạt tuyến phố bị ngập sâu, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ngay sau khi nước rút, thành phố đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại. Hạ tầng được sửa chữa nhanh chóng, những cửa hàng buôn bán quay lại hoạt động, tất cả đang thắp lên niềm tin mãnh liệt vào sự hồi phục và phát triển của thành phố.

Sự vào cuộc quyết liệt

Trong đợt lũ lụt vừa qua, thành phố có trên 13.600 hộ dân bị ảnh hưởng, nhiều vùng dân cư bị ngập sâu trong nước. Ngay sau khi nước rút, đồng chí Tạ Đức Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy đã chủ trì cuộc họp bàn tăng cường các giải pháp thu gom rác thải sau lụt bão. Các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tại các điểm bị ngập lụt nặng, huy động mọi nguồn lực nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực dân cư, công trình công cộng và cơ sở sản xuất.

Thành ủy, UBND thành phố đã huy động các lực lượng chức năng, bao gồm công an, quân đội, đoàn viên thanh niên cùng các doanh nghiệp và tổ chức xã hội, tập trung hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục hạ tầng giao thông, điện nước và thông tin liên lạc. Chỉ sau 5 ngày dọn dẹp thần tốc, thành phố Tuyên Quang đã nhanh chóng rũ bỏ lớp bùn đất, rác thải, khôi phục lại vẻ sạch đẹp vốn có. Các cơ quan chuyên môn cũng đã phối hợp với lực lượng y tế tiến hành phun thuốc khử trùng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất HTP (TP Tuyên Quang) đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sau lũ phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất HTP (TP Tuyên Quang) đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sau lũ phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng đến việc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về kinh tế. Các đơn vị liên quan đã nhanh chóng thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại về tài sản, hoa màu, cũng như hỗ trợ sản xuất và khôi phục lại sinh hoạt hằng ngày. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn cũng đã vào cuộc với các gói hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện cho người dân vay vốn khôi phục sản xuất.

Công tác sửa chữa điện, nước và các tiện ích công cộng khác cũng được chính quyền địa phương và các công ty dịch vụ công ích thực hiện một cách khẩn trương. Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tuyên Quang cho biết, công ty đã nhanh chóng kiểm tra khắc phục sự cố để cấp lại nước cho nhân dân ngay trong ngày đầu tiên nước rút.

Đường điện bị ngắt để tránh nguy hiểm trong lũ đã nhanh chóng được khôi phục, đảm bảo sinh hoạt bình thường cho người dân sau thiên tai.

Khắc phục hậu quả, đảm bảo an sinh xã hội

Theo số liệu thống kê của UBND thành phố Tuyên Quang, đến ngày 20 - 9, trên địa bàn thành phố có 16 tuyến đường giao thông bị thiệt hại, hư hỏng, gồm 10 tuyến đường đô thị và 6 tuyến đường xã. Dự kiến kinh phí khắc phục sửa chữa hơn 22,8 tỷ đồng. Ngay sau khi có thiệt hại xảy ra, UBND thành phố đã chỉ đạo đơn vị quản lý bảo trì đường bộ triển khai công tác đảm bảo giao thông, dọn ngay phần đất, đá, rác thải, phân luồng giao thông và cử cán bộ, công chức, phối hợp với đơn vị quản lý kiểm tra, thường trực 24/24h để nắm tình hình, xử lý khi cần thiết như: căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn giao thông.

Trận lũ vừa qua làm vỡ cống, cuốn 1 đoạn đường dài khoảng 30 m trên tuyến đường bê tông liên xã giữa Tràng Đà (TP Tuyên Quang) và Tân Long (Yên Sơn) làm gián đoạn giao thông từ ngày 11-9, UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo UBND xã và cơ quan chức năng thực hiện đắp tuyến đường tạm qua địa bàn xóm 4, nhờ đó đến ngày 20 - 9 nhân dân, học sinh đi lại bình thường.

Đợt lũ lụt vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Nhiều cơ sở kinh doanh bị ngập nước, gây hư hỏng hàng hóa, trang thiết bị và cơ sở vật chất, đặc biệt là các cửa hàng tại khu vực trung tâm thành phố. Điển hình như Công ty TNHH Điện máy Hưng Hoa thiệt hại các sản phẩm điện dân dụng bị trôi theo nước lũ; các mặt hàng ti vi, máy giặt, tủ lạnh bị ngâm nước..., Ngân hàng Vietcombank hỏng 2 máy ATM, 1 thang máy chở người, 1 thang máy chở tiền, cửa cuốn, máy phát điện cỡ lớn..., Ngân hàng HDbank thiệt hại máy ATM, máy phát điện, hệ thống xây dựng cơ bản tầng 1...

Khu Trung tâm thương mại Vincom Plaza chịu thiệt hại nghiêm trọng do hệ thống điện tại tầng hầm bị hỏng, khiến việc khôi phục hoạt động bị trì hoãn. Các doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động kinh doanh trong nhiều ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Các ngân hàng tuy kịp thời khắc phục sự cố nhưng cũng đối mặt với những thiệt hại về hạ tầng và phải tập trung nguồn lực để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn này.

Trước tình hình thiệt hại thương mại do lũ lụt, lãnh đạo thành phố Tuyên Quang đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, bảo đảm sớm ổn định các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn. Đối với Khu Trung tâm thương mại Vincom Plaza, đơn vị cũng khẩn trương khắc phục sự cố điện tại tầng hầm để đưa trung tâm vào hoạt động trở lại sớm nhất. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ được khuyến khích đẩy mạnh vệ sinh, sửa chữa để nhanh chóng tái khởi động hoạt động thương mại. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn đảm bảo an toàn hệ thống và dịch vụ tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn sau sự cố.

Lũ lụt làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Cụ thể, thiệt hại hơn 902 ha lúa, 178 ha ngô, 63,7 ha rau màu, hơn 91 ha ao nuôi trồng thủy sản, 12 lồng cá, hơn 9.000 con gia cầm, 43 con gia súc... UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố kiểm tra, hướng dẫn nhân dân xử lý đồng ruộng, phòng trừ các loại bệnh thường phát sinh gây hại sau các đợt ngập úng; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nông Thị Toản cho biết: Sau trận lũ lịch sử, thành phố Tuyên Quang đang khắc phục hậu quả và từng bước khôi phục lại sản xuất. Nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới là tập trung toàn lực cho công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã triển khai cấp kinh phí hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra (đợt 1) được phân bổ tại Quyết định số 18/QĐ-MTTQ-BVĐCT ngày 18-9-2024 của Ban vận động cứu trợ tỉnh.

Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường, các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo, huy động các lực lượng tham gia giúp đỡ, khắc phục hậu quả do ngập úng gây ra, ổn định đời sống cho nhân dân.

Bài, ảnh: Hải hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/thanh-pho-tuyen-quang-phuc-hoi-sau-lu-199013.html