Thanh Sơn phát huy hiệu quả chính sách dân tộc giảm nghèo bền vững

PTĐT - Huyện miền núi Thanh Sơn có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 60%. Thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, những năm qua huyện xác định ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn ...

Gia đình chị Đinh Thị Yến ở khu Đồi, xã Lương Nha là một trong số hơn 90 hộ kinh doanh cá thể trong xã đầu tư mở cửa hàng tạp hóa, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Đinh Thị Yến ở khu Đồi, xã Lương Nha là một trong số hơn 90 hộ kinh doanh cá thể trong xã đầu tư mở cửa hàng tạp hóa, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

PTĐT - Huyện miền núi Thanh Sơn có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 60%. Thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, những năm qua huyện xác định ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, đề án, chính sách về công tác dân tộc sau khi ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đầu tư, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, tiến tới xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Xã Lương Nha hiện có trên 4.700 nhân khẩu, trong đó 74% là người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, cùng với thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số như: Xây dựng nhà ở, tiền điện, thẻ BHYT..., Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ. Vì thế, bên cạnh sản xuất nông nghiệp với thế mạnh vùng chuyên canh khoảng 30ha trồng táo cùng các cây trồng, vật nuôi khác, người dân trong xã còn mở hướng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Các cơ sở sản xuất chổi chít, nước uống tinh khiết, gia công cơ khí, nhóm thợ xây dựng và hơn 90 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ đã giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động. Thu nhập bình quân của người dân trong xã nay đã đạt 24,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,6%, diện mạo của xã miền núi nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với sự đầu tư hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình mục tiêu Quốc gia và sự nỗ lực của nhân dân, kinh tế của người dân trong huyện đã có những bước phát triển khá so với 5 năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từ 2-3%/năm, thu nhập bình quân tăng từ 17,2 triệu đồng/người/năm (năm 2014) lên 24,5 triệu đồng/người/năm (năm 2018)... Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi thay, góp phần rút ngắn khoảng cách tiếp cận các điều kiện xã hội giữa vùng đồng bằng và miền núi, vùng cao. Để có được kết quả như vậy, huyện đã thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững lồng ghép nguồn kinh phí của các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương và phát triển sản xuất. Tổng kinh phí đầu tư chương trình 135 giai đoạn 2015 - 2019 là 107,9 tỷ đồng cùng các nguồn vốn khác phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường bê tông, công trình thủy lợi, trường học, trạm biến áp, nhà văn hóa khu dân cư... Công tác xây dựng nhà ở cho hộ nghèo được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện. Từ năm 2015 đến nay đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho trên 460 hộ với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng, góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở phần lớn cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định hỗ trợ vay vốn để tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo, từ năm 2014 đến nay đã có gần 1.400 hộ được vay với tổng vốn trên 16 tỷ đồng. Các nguồn vốn vay đã giúp cho các thành phần kinh tế có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân, các chính sách hỗ trợ lãi suất đã tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, sinh viên, đồng thời giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế, thoát nghèo.Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện đã chủ động, tự lực phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống mới. Một số mô hình mới, cách làm hay trong xóa đói giảm nghèo đã được duy trì và nhân rộng. Nhiều xã đã xây dựng được mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao với những hộ làm kinh tế giỏi như Địch Quả, Hương Cần, Văn Miếu, Lương Nha, Tinh Nhuệ... Các dự án nông nghiệp cận đô thị như: Nuôi gà thả vườn, trồng táo, sản xuất nấm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai đúng kế hoạch, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay giảm còn 10,61%.Nhờ tích cực huy động các nguồn lực đầu tư, 100% các xã trong huyện có đường ô tô đến trung tâm; 99% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia, 93% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc, nhất là ở các xã nông thôn mới: Lương Nha, Địch Quả, Sơn Hùng, trong đó Lương Nha và Địch Quả có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/201910/thanh-son-phat-huy-hieu-qua-chinh-sach-dan-toc-giam-ngheo-ben-vung-167262