Thanh Thủy: Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

PTĐT - Thanh Thủy vốn có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời xen lẫn các truyền thuyết của dân tộc thể hiện qua các di tích lịch sử văn hóa còn lại đến ngày nay.

Lễ giỗ Thánh Mẫu đền Lăng Sương, xã Đồng Trung được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương.

Lễ giỗ Thánh Mẫu đền Lăng Sương, xã Đồng Trung được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương.

Hiện nay, huyện có 36 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 5 di tích gồm: Đền Lăng Sương (xã Đồng Trung), Tượng đài chiến thắng Tu Vũ, Đình Đào Xá và Đền Tam Công (xã Đào Xá), Đình Hạ Bì Trung (xã Xuân Lộc) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Gắn liền với đó là các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tính nhân văn sâu sắc. Hằng năm, UBND các xã, thị trấn đã chủ động trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.Bằng nguồn vốn xã hội hóa do con em quê hương ủng hộ, các nhà hảo tâm công đức, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành khởi công tu bổ, tôn tạo 3 di tích chưa xếp hạng với mức kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng. Các di tích sau khi tu bổ, tôn tạo đảm bảo không mất đi yếu tố gốc cấu thành di tích, đáp ứng tốt hơn về nhu cầu tâm linh của nhân dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương. Nhờ đó, một số lễ hội được khôi phục, các hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc. Bên cạnh 5 di sản văn hóa vật thể cấp Quốc gia, những năm gần đây, huyện Thanh Thủy tiếp tục được Bộ VH-TT&DL ghi danh 2 lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đó là lễ hội Đào Xá (công nhận năm 2016) và lễ hội Đền Lăng Sương (công nhận năm 2018).Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ấy đã tạo đà để huyện miền núi Thanh Thủy phát triển mạnh phong trào văn hóa văn nghệ. Toàn huyện thành lập gần 60 câu lạc bộ hát Xoan, trong đó nhiều câu lạc bộ hát Xoan cấp tỉnh, câu lạc bộ hát Ghẹo, hát Văn Lạc Việt, hát Chèo cổ, diễn xướng cồng chiêng..., 100% xã, thị trấn có câu lạc bộ văn nghệ quần chúng. Thông qua ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc được tổ chức hằng năm với các hoạt động: Biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, hội trại văn hóa, thi đấu các môn thể thao truyền thống, các điệu hát Ví, hát Rang đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào Mường, đồng bào Kinh đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong huyện. Từ đó, tạo tiền đề thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển mạnh, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Xác định bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển du lịch, đến nay, huyện Thanh Thủy đã hình thành 3 vùng không gian du lịch, gồm: Vùng không gian du lịch gắn với sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; vùng không gian du lịch gắn với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; vùng không gian du lịch gắn với cộng đồng văn hóa dân tộc Mường. Trong đó, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh như tắm khoáng, ngâm bùn, tắm thuốc bắc... tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, khu du lịch sinh thái Vườn Vua, Thanh Lâm resort… Cùng với đó, du khách thập phương còn được trải nghiệm văn hóa tâm linh, chiêm bái các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống đặc sắc: Lễ hội truyền thống đền Lăng Sương, rước voi đình Đào Xá, bơi chải đền Tam Công, đình Hạ Bì Trung, lễ hội cướp “Cây Bông” đình La Phù, di tích lịch sử - Tượng đài chiến thắng Tu Vũ… Mỗi năm, các di tích và lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch hành hương về lễ hội cội nguồn dân tộc. Việc kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử văn hóa hình thành tour tuyến phục vụ khách du lịch. Đối với loại hình du lịch cộng đồng, đến nay, đội cồng chiêng của 2 xã Yến Mao và Phượng Mao đang hoạt động tích cực. Nhiều hộ dân đã chủ động cải tạo chỉnh trang nhà ở, công trình vệ sinh, chuồng trại, đường làng ngõ xóm, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, giao tiếp lịch thiệp. Xây dựng các chương trình nghệ thuật vũ điệu cồng chiêng, dân ca Mường, hát Ví, hát Rang, đêm hội rượu cần, đốt lửa trại, nhảy sạp... gắn với nghệ thuật ẩm thực: Bò thui, lợn quay, rượu cần, bánh cá, bánh kiến, măng chua, bánh sừng bò, xôi ngũ sắc,… cùng với khôi phục các môn thể thao dân tộc: Ném còn, đập niêu, bắn nỏ... để thu hút du khách. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, lấy du dịch thúc đẩy hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa đang giúp mảnh đất bên dòng Đà giang ngày càng vươn xa.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202010/thanh-thuy-phat-huy-cac-gia-trivan-hoa-truyen-thong-173477