Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó
Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự có ý nghĩa, nhiều ý kiến cho rằng Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này phải thể hiện được nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, thưởng phải tương xứng với khen, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo sự đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng một cách rõ rệt.
Thưởng phải tương xứng với khen
Khái niệm khen thưởng gồm hai yếu tố khen và thưởng, trong đó khen là sự tôn vinh về mặt tinh thần với các hình thức khác nhau, thưởng là lợi ích vật chất mà tổ chức, cá nhân nhận được do đạt được hình thức khen thưởng đó.
Báo cáo Tổng kết, đánh giá 17 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng của Bộ Nội vụ chỉ rõ, một trong những hạn chế, tồn tại của công tác khen thưởng thời gian qua là việc trích lập quỹ thi đua, khen thưởng chưa huy động được các nguồn lực để thực hiện tốt việc khen và thưởng. Nhiều đơn vị có khen nhưng không có thưởng (hầu hết ở các bộ, ngành khi tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân thuộc các tỉnh, thành phố không có tiền thưởng do khen thưởng nhiều và không có quỹ khen thưởng, trừ những đơn vị quản lý toàn diện).
Nguồn ITN
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng,Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cần bổ sung các quy định có nội hàm thích ứng với xu thế số hóa nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.
Còn theo Ths.Nguyễn Thế Anh, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, hiện nay, công nghệ thông tin đã được sử dụng nhiều trong quản lý nhà nước và đạt được nhiều kết quả tích cực. Không nằm ngoài xu hướng đó, để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng đạt được hiệu quả cao, cần xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu thi đua, khen thưởng chung cho toàn quốc do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương quản lý, trong đó phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương cập nhật dữ liệu. Các Bộ, ngành, địa phương cũng có phần mềm quản lý dữ liệu thi đua, khen thưởng riêng, đồng bộ với phần mềm chung của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Đặc biệt, cần có sự liên kết giữa phần mềm quản lý thi đua, khen thưởng với các phần mềm quản lý khác như xử lý vi phạm hành chính, quản lý thuế, quản lý cán bộ,... để đảm bảo tính chính xác, toàn diện trong xem xét, quyết định khen thưởng.
Thực tế cho thấy, để giảm thiểu thủ tục hành chính, cần tiến tới sử dụng hoàn toàn các văn bản điện tử, nhất là trong thực hiện chế độ báo cáo, công văn giữa các đơn vị. Hồ sơ báo cáo thành tích của các ứng viên khen thưởng cũng phải được số hóa để phục vụ tốt công tác lưu trữ đối với số lượng lớn hồ sơ từ trước đến nay. Nhất trí với đề xuất này, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đình Hiển, quy định về hồ sơ, báo cáo thành tích còn nhiều bất cập, quy trình thủ tục xét và hiệp y khen thưởng còn nặng nề. Cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hồ sơ khen thưởng, mẫu báo cáo đơn giản nhưng vẫn khoa học, tăng yếu tố định lượng, giảm yếu tố định tính (tiêu biểu, xuất sắc, dẫn đầu, lan tỏa…).
Tài liệu, hồ sơ hình thành trong quá trình hoạt động qua các thời kỳ của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương bắt đầu từ năm 1947, song tài liệu về công tác thi đua được lưu tại Ban (từ 1947 đến năm 2004) còn rất ít vì sau khi Ban Thi đua Trung ương giải thể (năm 1987) không chuyển giao tài liệu cho Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước. Do trải qua các thời kỳ chiến tranh và chuyển đổi, sáp nhập về tổ chức nên tài liệu, hồ sơ lưu trữ của Ban không còn được hoàn chỉnh, đầy đủ. Mặt khác, trước đây do không có điều kiện bảo quản và chịu tác động tiêu cực của môi trường nên phần lớn tài liệu, hồ sơ lưu trữ bị xuống cấp, rách nát, chữ in mờ rất khó đọc, nhất là tài liệu từ năm 1975 trở về trước. (Báo cáo Tổng kết đánh giá 17 năm thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng, Bộ Nội vụ).
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thanh-tich-den-dau-khen-thuong-den-do