Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 50% trong năm 2023

Tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng…

Từ 1/7/2024, giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học để chứng minh tài khoản chính chủ.

Từ 1/7/2024, giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học để chứng minh tài khoản chính chủ.

Thông tin trên được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024.

THANH TOÁN QR CODE CHIẾM THẾ THƯỢNG PHONG

Trong đó, thanh toán qua kênh internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56 % về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước).

Giá trị giao dịch qua ATM khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, giảm hơn 9% so với 2022.

Việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, đến nay, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.

Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, đến cuối tháng 11/2023, toàn thị trường có 21.014 máy ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với cùng kỳ năm 2022).

Tính đến cuối tháng 12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên thị trường. Trong đó, dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử: 1 tổ chức, dịch vụ cổng thanh toán điện tử; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; 14 tổ chức và dịch vụ ví điện tử.

Đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.

Sau 2 năm thí điểm, Mobile Money đã có mức tăng trưởng tốt. Tại thời điểm cuối năm 2023, số lượng tài khoản đăng ký gần 6 triệu, trong đó gần 70% là tài khoản đăng ký ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; tổng số lượng giao dịch khoảng 47 triệu, tổng giá trị giao dịch trên 2,4 nghìn tỷ đồng.

Ba doanh nghiệp tham gia thí điểm Mobile Money (Viettel, VNPT, MobiFone) đã mở được 11.700 điểm kinh doanh; hơn 195.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, tạo điều kiện để người yếu thế, ở vùng sâu vùng xa tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Ngày 18/11/2023, Chính phủ đã quyết định gia hạn thời gian thí điểm Mobile Money đến 31/12/2024 theo Nghị quyết số 192/NQ-CP. Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ này trước tháng 5/2024.

Để đảm bảo an toàn trong công tác thanh toán trực tuyến, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ký kết với Bộ Công an tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Nhiều nội dung quan trọng đã được triển khai trong năm 2023 như phối hợp làm sạch dữ liệu của những người mở tài khoản thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nghiên cứu, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin thông qua căn cước công dân gắn chip; nghiên cứu để sử dụng số định danh VNeID trong việc mở và sử dụng các dịch vụ từ ngân hàng.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán thông tin đến cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an làm sạch trên 42 triệu hồ sơ khách hàng liên quan đến cơ sở thông tin tín dụng CIC. 53 tổ chức tín dụng đã phối hợp với các doanh nghiệp do bộ Công an cấp phép để nghiên cứu, phối hợp đưa các giải pháp, thiết bị để xác thực người dùng bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip. 43 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

KHÔNG CẦN XÁC THỰC SINH TRẮC HỌC KHI GIAO DỊCH THANH TOÁN

Đi cùng với tốc độ tăng trưởng trong thanh toán không dùng tiền mặt nói trên là áp lực phòng ngừa gian lận trong giao dịch trực tuyến.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, tình trạng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ đang diễn biến phức tạp. Các ngân hàng thương mại ghi nhận tình trạng xuất hiện các trường hợp mua bán, thuê mượn tài khoản cho các đối tượng lừa đảo. Trong bối cảnh lừa đảo công nghệ cao ngày càng phức tạp, nhiều người dân không ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Một trong những giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là buộc xác thực sinh trắc học để xác định tài khoản chính chủ khi thực hiện giao dịch chuyển tiền, được quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN.

Theo Quyết định 2345, giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng Căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).

Quy định xác thực sinh trắc học chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền mà không áp dụng với các giao dịch thanh toán. Tất cả các giao dịch thanh toán đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán, các điểm mua hàng do các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu bên thanh toán phải xác thực sinh trắc học.

Theo Ngân hàng Nhà nước, công nghệ này được đánh giá là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất.

Liên quan đến vấn đề này, một số tổ chức tín dụng lo ngại sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư công nghệ, hay đồng bộ cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng mục tiêu cao nhất của quy định trên là bảo vệ an toàn tài sản cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng, do đó các tổ chức tín dụng phải phát huy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ khách hàng. Hơn nữa, Quyết định 2345 quy định từ ngày 1/7/2024 mới đưa vào áp dụng, các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là từ ngày 01/01/2025, do đó đã đủ thời gian cho các tổ chức tín dụng nghiên cứu, trang bị, mua sắm.

Lãnh đạo Vụ Thanh toán giải thích rõ, quy định trên chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền mà không áp dụng với các giao dịch thanh toán. Tất cả các giao dịch thanh toán đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán, các điểm mua hàng do các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu bên thanh toán phải xác thực sinh trắc học.

“Ví dụ thanh toán tiền điện hàng trăm triệu, phí giao thông, nộp thuế, bảo hiểm… hàng trăm triệu, có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Nhưng trường hợp chuyển tiền từ người A qua người B thì trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học thể hiện tôi là chủ tài khoản, tôi chuyển khoản tiền đó”, ông Tuấn giải thích.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết trong trường hợp chuyển khoản dưới 10 triệu đồng/lần và tổng số dư chuyển tiền dưới 20 triệu/ngày thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Nếu vượt 20 triệu đồng/ngày thì giao dịch tiếp theo sẽ yêu cầu xác thực sinh trắc học.

Kỳ Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tang-truong-50-trong-nam-2023.htm