Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thời Covid-19: Không gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là công cụ giám sát quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng trong bối cảnh Covid-19, cần hạn chế hoạt động này đối với doanh nghiệp.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ chỉ thực hiện khi thật cần thiết để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Giảm thanh tra, kiểm tra
Thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với Covid-19, hoạt động thanh tra, kiểm tra nói chung, thanh tra, kiểm tra thuế nói riêng đã hủy kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để giảm bớt phiền hà cho họ.
Theo ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế), vừa giảm số cuộc thanh tra, kiểm tra, vừa bảo đảm không để doanh nghiệp lợi dụng là một “nhiệm vụ kép”, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống dịch hiệu quả. Đứng trước nhiệm vụ kép này, ông Cường cho biết, ngành thuế đã tiến hành phân loại doanh nghiệp trên ứng dụng TPR (phầm mềm phân tích thông tin rủi ro) lập danh sách đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19 để kiểm tra hồ sơ thuế của doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan thuế, thay vì đến tận doanh nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong 8 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện kiểm tra 357.320 hồ sơ khai thuế trong tổng số 41.250 cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng đã tăng thu cho ngân sách 12.051 tỷ đồng, bằng 154% so với cùng kỳ năm 2019; giảm lỗ 21.665 tỷ đồng, bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2019.
“Đối với doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi bệnh dịch, đặc biệt là đối với những đối tượng nghi ngờ lợi dụng giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra để vi phạm pháp luật về thuế, gian lận thuế, ẩn lậu thuế, trốn thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành phân tích hồ sơ, thông tin, dữ liệu từ cơ quan truyền thông, đơn thư tố cáo, giao dịch đáng ngờ từ Cơ quan Giám sát ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước (KTNN), hải quan… trước khi xuống làm việc trực tiếp với doanh nghiệp”, ông Cường nói.
Thu gọn đầu mối kiểm toán
Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm nay, KTNN cắt giảm khoảng 35% đầu mối kiểm toán so với năm 2019 do Covid-19 xảy ra, KTNN đã chủ động thu gọn đầu mối kiểm toán và gần như không thực hiện đối chiếu thuế khi đi kiểm toán cơ quan quản lý thuế và ngân sách địa phương, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, trong 8 tháng của năm 2020, Thanh tra tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra ngành tài chính đã kiến nghị xử lý hơn 38.000 tỷ đồng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra. Riêng với ngành thuế, trong 8 tháng năm 2020, cơ quan thuế đã thực hiện 41.250 cuộc thanh, kiểm tra; kiến nghị xử lý khoảng 34.692 tỷ đồng, bằng 121% so với cùng kỳ 2019.
Mặc dù cắt giảm đầu mối kiểm toán, giảm thời gian kiểm toán tại mỗi đầu mối, nhưng ông Phớc khẳng định vẫn bảo đảm chất lượng kiểm toán. “Để vừa thực hiện giảm số cuộc kiểm toán theo tinh thần Chỉ thị 11/CT-TTg, vừa giảm thiểu tình trạng vi phạm quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, chống thất thu ngân sách nhà nước, KTNN đã thực hiện chọn mẫu (kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro), tập trung kiểm toán các đầu mối trọng yếu và những nội dung quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước”, ông Phớc thông tin.
Với ngành hải quan, theo ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), dù rất nhiều doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020, nhưng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cần tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu có đề nghị ngành hải quan sẽ dừng kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Năm nay, cơ quan hải quan chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra doanh nghiệp sau quá trình theo dõi, thu thập được đầy đủ hồ sơ, chứng cứ, tiến hành phân tích, đánh giá và phát hiện rõ ràng dấu hiệu vi phạm.
“Về cơ bản, năm nay, khi cần thiết mới yêu cầu doanh nghiệp xuất trình hồ sơ để cơ quan hải quan kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan, còn hãn hữu mới thực hiện kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp vì ngay cả trong hoạt động bình thường, doanh nghiệp nào cũng ngại làm việc với cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Trong lúc hoạt động gặp vô cùng khó khăn, doanh nghiệp lại càng ngại tiếp xúc với cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì vậy, ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo không chỉ tạm dừng thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp đã có trong kế hoạch, mà ngay cả doanh nghiệp có trong kế hoạch nếu không có căn cứ rõ ràng về việc vi phạm pháp luật cũng không thanh tra, kiểm tra, đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn, công nhân không có việc làm, bị giãn việc, nghỉ việc không lương; hoạt động xuất khẩu bị đình trệ do không có đơn hàng”, ông Lộc nói thêm.