Thanh tra xây dựng 'vòi' tiền ở Vĩnh Phúc: Trách nhiệm Chánh thanh tra Bộ Xây dựng?

Vụ việc thanh tra xây dựng vòi tiền ở Vĩnh Phúc, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phải chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu, hơn thế, chính ông là người ký quyết định thành lập đoàn thanh tra.

Vụ việc Thanh tra xây dựng vòi tiền ở Vĩnh Phúc đang thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ vụ việc là điển hình của tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp mà còn bộc lộ quá nhiều những bất cập về chất lượng thanh tra cũng như công tác quản lý giám sát cán bộ thanh tra.

Liên quan vụ việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng (cũng là người ra quyết định thanh tra) khi đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng tại Vĩnh Phúc và việc đưa 2 thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng không phải là công chức thuộc Bộ Xây dựng vào đoàn thanh tra?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho rằng, đối với việc một số cán bộ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền bị Vĩnh Phúc, bị khởi tố, bắt giam về hành vi nhận hối lộ, Chánh Thanh tra phải chịu trách nhiệm bởi ông là người ký quyết định thành lập đoàn thanh tra.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh bị khởi tố do có hành vi nhận hối lộ khi thanh tra tại huyện Vĩnh Tường.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh bị khởi tố do có hành vi nhận hối lộ khi thanh tra tại huyện Vĩnh Tường.

Theo quy định tại điều 48, Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 nêu rõ, người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra và người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

“Nếu không quy trách nhiệm cho người đứng đầu thì còn xảy ra tham nhũng. Bởi thực tế, nếu mãi mãi không quy được trách nhiệm cho ai trong công tác mà toàn trách nhiệm tập thể thì không ai sợ. Tất nhiên, để việc vi phạm xảy ra trong đơn vị mình là phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ cho nhân viên, cán bộ dưới quyền được. Với những cán bộ trong đoàn thanh tra vi phạm, nhận hối lộ đã bị khởi tố bắt giam, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, Chánh Thanh tra cũng phải chịu trách nhiệm với cương vị người đứng đầu đơn vị. Chứ không phải kiểu "Xin nhận trách nhiệm người đứng đầu" rồi không biết trách nhiệm gì. Thực tế, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi cán bộ thuộc cấp làm sai sẽ mang tính răn đe cao”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết.

Nói về việc 2 thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng là ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2) và bà Nguyễn Thùy Linh (25 tuổi, cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra) không phải là công chức thuộc Bộ Xây dựng nhưng vẫn được đưa vào đoàn thanh tra, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, nếu việc ra quyết định đưa vào Đoàn thanh tra sai thành phần khi 2 người này không phải là công chức, chưa phải là Thanh tra viên hay Cộng tác viên thanh tra để họ gây ra những ảnh hưởng xấu đến Bộ Xây dựng thì trách nhiệm này thuộc về Chánh thanh tra.

Luật sư Diệp Năng Bình cho hay, Thanh tra Bộ là cơ quan của bộ, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của bộ; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Thanh tra bộ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên. Thanh tra viên phải có các tiêu chuẩn sau đây: Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; Tốt nghiệp đại học, có kiến thức quản lý nhà nước và am hiểu pháp luật; đối với Thanh tra viên chuyên ngành còn phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó; Có văn bằng hoặc chứng chỉ về nghiệp vụ thanh tra…

Tuy nhiên, Luật thanh tra cũng cho phép trong hoạt động thanh tra, cơ quan thanh tra nhà nước có quyền trưng tập cộng tác viên thanh tra. Cộng tác viên thanh tra là người không thuộc biên chế của Bộ xây dựng. Cộng tác viên thanh tra là người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ thanh tra. Tiêu chuẩn cụ thể, chế độ, chính sách, trách nhiệm đối với cộng tác viên thanh tra; việc trưng tập cộng tác viên thanh tra do Chính phủ quy định.

Từ những phân tích trên, Luật sư Bình cho rằng, có thể thấy trong Đoàn thanh tra có hai thành phần đó là Thanh tra viên và Cộng tác viên thanh tra.

“Nếu đúng vậy thì không có gì để nói. Còn nếu ra Quyết định đưa vào Đoàn thanh tra sai thành phần khi 2 người này không phải là công chức, chưa phải là Thanh tra viên hay Cộng tác viên thanh tra, điều mà Chánh thanh tra phải biết, để họ gây ra những ảnh hưởng xấu đến Bộ xây dựng thì trách nhiệm này thuộc về Chánh thanh tra Bộ Xây dựng”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/ban-doc-dieu-tra/thanh-tra-xay-dung-voi-tien-o-vinh-phuc-trach-nhiem-chanh-thanh-tra-bo-xay-dung-1239970.html