Tháo dỡ kiểu 'rùa bò' công trình xâm hại danh thắng Tràng An
Dù đã quá hạn tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép xâm hại di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình), tuy nhiên đến thời điểm này công trình trên vẫn dậm chân tại chỗ, tháo dỡ theo kiểu rùa bò.
Sáng ngày 2-5, một lãnh đạo huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình xác nhận công trình làm đường lên núi Cái Hạ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) xâm hại nghiêm trọng danh thắng Tràng An, đến thời điểm hiện tại tháo dỡ chậm tiến độ so với cam kết xong trước ngày 30-4. "Công trình có chiều dài 510 m, tuy nhiên đến giờ công ty mới thực hiện được 1/10, chậm so với đơn đề ra xin tháo dỡ trong vòng 1 tháng (30-3 đến 30-4)"- vị lãnh đạo này thông tin.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, tới thời điểm ngày 30-4, công trình vẫn "dậm chân tại chỗ" vì ngoài đoạn trên cao giữa thung lũng núi được tháo dỡ rầm rộ trong ngày 30-3, thì tất cả tuyến đường lên núi vẫn còn nguyên vẹn.
Qua quan sát, phía trước cổng vào khu du lịch Tràng An cổ vẫn có hàng rào chắn và 1 tốp khoảng 5 người của lực lượng liên ngành túc trực, bảo vệ không cho người vào trong. Đứng từ dưới cổng nhìn lên núi Cái Hạ, hầu như toàn bộ công trình xây trái phép xâm hại di sản thế giới Tràng An vẫn còn nguyên vẹn.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 7-3, UBND tỉnh Ninh Bình đã công bố quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành do ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng đoàn để thanh - kiểm tra toàn diện những hoạt động xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), thuộc vùng lõi quần thể Danh thắng Tràng An, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được công nhận năm 2016. Qua đó sẽ làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm.
Công trình này được UBND tỉnh Ninh Bình xác định đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong xây dựng, xâm hại, phá vỡ cảnh quan vùng lõi Di sản Thế giới Tràng An, trong đó có việc tự ý mở bến thuyền khi chưa được phép, tự in và đưa ra giá vé đi tham quan bằng thuyền.
Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vào cuộc đề nghị tháo dỡ công trình trái phép trên, trả lại nguyên trạng cho danh thắng Tràng An. Công ty CP du lịch Tràng An sau đó cũng đã có đơn xin tự tháo dỡ công trình với thời hạn 1 tháng (từ ngày 30-3 đến ngày 30-4).
Thế nhưng, quá ngày 30-4 công trình trên vẫn tháo dỡ theo kiểu "rùa bò" khiến dư luận đặt câu hỏi khi nào toàn bộ công trình mới được tháo dỡ xong để trả lại nguyên trạng cho di sản thế giới này.