Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế từ việc xây dựng, thực thi pháp luật

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó, thể chế là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn'…

Có thể hiểu thể chế là hệ thống các cơ chế, chính sách, nguyên tắc, quy định, luật lệ... để định hướng sự phát triển của một tổ chức nói riêng hay một nhà nước nói chung. Pháp luật là thành phần quan trọng nhất tạo nên thể chế, do vậy, để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, cần tập trung vào việc xây dựng, thực thi pháp luật sao cho hiệu quả.

Những năm qua, việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, hệ thống pháp luật đã không ngừng được xây dựng, củng cố, hoàn thiện. Nếu như trước đây, luật chủ yếu được chú trọng xây dựng trong lĩnh vực kinh tế thì đến nay, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều đã có luật để điều chỉnh. Hệ thống pháp luật cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quang cảnh một phiên họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Quang cảnh một phiên họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế từ việc xây dựng cho đến thực thi pháp luật. Điển hình như chất lượng biên soạn một số luật chưa cao nên “tuổi thọ” ngắn, có những luật mới ban hành một vài năm đã phải sửa đổi, bổ sung; còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đồng bộ giữa các văn bản luật, tình trạng xây dựng luật kiểu “cuốc giật vào lòng”, cài cắm yếu tố lợi ích cục bộ của bộ, ngành được giao xây dựng dự thảo luật…

Bên cạnh đó, một hạn chế kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục, đó là tình trạng chậm triển khai luật. Đa số các luật đều cần văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành nhưng việc ban hành các văn bản này lại không kịp thời, khiến luật bị “treo”.

Một ví dụ “nóng hổi” là việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18-1-2024, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của luật và việc sớm triển khai luật vào cuộc sống sẽ tạo cơ sở quan trọng tháo gỡ những hạn chế, bất cập, điểm nghẽn trong lĩnh vực đất đai nên Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất, được Quốc hội cho phép để Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 (có hiệu lực sớm hơn 5 tháng).

Chính phủ rất quyết liệt, nhưng “trên nóng, dưới lạnh”, nhiều địa phương chưa tích cực, chủ động, hậu quả là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật rất chậm. Trước tình trạng này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình nghiêm khắc chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND 6 tỉnh, thành phố; yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra việc chậm trễ, khiến Luật Đất đai chưa thể thực thi tại địa phương…

Về vấn đề xây dựng pháp luật, cũng trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) thẳng thắn nhìn nhận: “Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân… Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu…”.

Để từng bước nâng cao chất lượng xây dựng, thực thi pháp luật, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, cần phải đổi mới công tác lập pháp. Trước hết, phải thay đổi tư duy làm luật theo hướng luật không chỉ để quản lý mà phải kiến tạo cơ chế, môi trường nhằm khuyến khích sự phát triển, sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực của xã hội. Điều này cũng đặt ra yêu cầu phải xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm” trong làm luật, vì “cấm” những vấn đề mang tính quy luật, tất yếu khách quan sẽ tạo ra môi trường hoạt động “chui”, trói chặt tinh thần sáng tạo, sự phát triển của các nhân tố mới, tích cực.

Cùng với đó, đội ngũ xây dựng luật phải thực sự là những con người có trình độ, là chuyên gia trong từng lĩnh vực, có đạo đức, phẩm chất tốt, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ tốt, không chịu bất cứ áp lực, sự ràng buộc nào để có thể làm sai lệch nội dung luật theo chiều hướng tiêu cực.

Việc thẩm định, thông qua luật phải được tiến hành khoa học, khách quan, huy động được trí tuệ tập thể. Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chức năng… phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, không ngại va chạm để đóng góp xây dựng luật với chất lượng tốt nhất, loại bỏ sự chồng chéo, xung đột, lợi ích nhóm…

Muốn luật nhanh đi vào cuộc sống, có “tuổi thọ” cao, luật phải hài hòa giữa hai yếu tố: Vừa tránh tình trạng quy định quá chi tiết, dài dòng, nhất là những nội dung chưa rõ, thường xuyên biến động, nhưng đồng thời cũng không để xảy ra tình trạng quy định quá chung chung, khó hiểu, phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn… Mặt khác, phải gắn trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức hướng dẫn, triển khai thi hành luật.

TRUNG PHƯƠNG

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/thao-go-diem-nghen-the-che-tu-viec-xay-dung-thuc-thi-phap-luat-800167