Tháo gỡ điểm nghẽn thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Ở Việt Nam, trong thời gian qua, các giải pháp chuyển đổi số và công nghệ đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp như: Công nghệ IoT, Big Data đã được ứng dụng thông qua phần mềm để phân tích môi trường, chủng loại và giai đoạn phát triển của cây. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc và theo dõi quá trình sinh trưởng của cây theo thời gian thực; Công nghệ IoT, sinh học, blockchain cũng được ứng dụng rộng rãi trong các trang trại chăn nuôi; Công nghệ DND mã vạch được ứng dụng vào việc quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; Hay các công nghệ biofloc, công nghệ nano, AI cũng đã từng bước được ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản, quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ…
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực trên, theo TS. Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, vẫn còn nhiều khó khăn, lực cản làm chậm quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn như: doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số còn ít; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế; Người nông dân còn e ngại trong việc chuyển đổi số. Một khó khăn lớn nữa là ngành nông nghiệp chưa thu hút được nhiều vốn FDI trong khi cả nông dân và doanh nghiệp đều khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng trong nước. Đây lại là một trong những vấn đề khá then chốt, một điểm nghẽn, bởi mục tiêu phát triển công nghệ luôn đi kèm với nhu cầu cao về nguồn lực tài chính.